.

Tín dụng xanh - xu thế phát triển bền vững

Cập nhật: 18:16, 15/10/2024 (GMT+7)

Chưa bao giờ cụm từ "tín dụng xanh" được nhắc đến nhiều như hiện nay. Tín dụng xanh được coi là một phần quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia, tạo nguồn lực cho DN đầu tư vào các dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, bên cạnh việc triển khai thực hành "sống xanh" thông qua khuyến khích người lao động tham gia các hoạt động nhỏ như tiết kiệm điện, nước, giấy, các ngân hàng thương mại đã đưa ra nhiều gói tín dụng xanh. Họ ưu tiên tài trợ cho các DN có phương án sản xuất, kinh doanh thuộc danh mục xanh, hoặc danh mục xã hội, bao gồm năng lượng tái tạo (điện mặt trời), sử dụng năng lượng hiệu quả, công trình xanh, giao thông vận tải sạch. 

Để thúc đẩy tín dụng xanh, nhiều ngân hàng đã hợp tác với các tổ chức quốc tế để tranh thủ nguồn vốn tài trợ cho các dự án. Ví dụ, tại BIDV, vào tháng 8 vừa qua, ngân hàng đã ký kết thỏa thuận tín dụng khí hậu trị giá 50 triệu euro với Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) để tài trợ cho các dự án giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các ngân hàng cũng khẳng định, trong tương lai, những dự án không thân thiện với môi trường sẽ không được cấp vốn.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ quá trình "xanh hóa" nền kinh tế. Tính đến nay, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh, đạt gần 637 ngàn tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. So với thời điểm cuối năm 2015, khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng xanh, dư nợ chỉ đạt 71 ngàn tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số 637 ngàn tỷ đồng tín dụng xanh, năng lượng tái tạo chiếm 47%, nông nghiệp xanh khoảng 32%, nước sạch cho đô thị và nông thôn khoảng 11%, phần còn lại dành cho lâm nghiệp. Tín dụng trung và dài hạn chiếm 77% tổng dư nợ xanh. Nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng các gói tín dụng xanh và chương trình phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh và chuyển đổi xanh.

Dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh hiện còn thấp, chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế, vẫn còn cách xa mục tiêu 10% vào cuối năm 2025. Nguyên nhân chủ yếu là do hành lang pháp lý chưa đầy đủ và danh mục phân loại xanh quốc gia chưa rõ ràng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn xanh để cho vay, dù nhiều ngân hàng đã huy động thành công hàng tỷ USD từ các tổ chức quốc tế.

Để thúc đẩy tín dụng xanh, các chuyên gia ngân hàng cho rằng cần có một định nghĩa rõ ràng về môi trường xanh và một cơ quan có khả năng định lượng các tiêu chí này. Đây là yếu tố cơ bản để hỗ trợ tín dụng xanh, tức là phải đo lường được kết quả của việc cải tạo môi trường.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, yêu cầu phát triển ngân hàng xanh và tín dụng xanh không chỉ là nhiệm vụ của các ngân hàng thương mại mà còn của tất cả tổ chức tín dụng, bao gồm cả tổ chức tín dụng phi ngân hàng như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và quỹ tín dụng nhân dân. Việc này giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm và chủ động của toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong việc phát triển tín dụng xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

MINH AN

.
.
.