Chỉ số dễ dàng kinh doanh
Trong những ngày này, cộng đồng các doanh nghiệp đang tổ chức nhiều hoạt động hướng đến kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10). Đây là dịp không chỉ để doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, giao thương, kết nối, mà còn là lúc họ có cơ hội chia sẻ với lãnh đạo các cấp chính quyền. Cùng hướng đến mục tiêu chung là tiếp tục có các chính sách phù hợp, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, đầu tư thuận lợi.
Và vấn đề cộng đồng doanh nghiệp mong muốn lớn nhất, cũng là những nội dung cơ bản nhất trong Chỉ số dễ dàng kinh doanh: khả năng tiếp cận vốn và gỡ bỏ các rào cản pháp lý chồng chéo, lắm thủ tục, tốn thời gian...
Năm 2024 là năm đặc biệt quan trọng thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nhưng cũng là một năm mà kinh tế Việt Nam đã gặp không ít khó khăn vì bối cảnh thế giới, vì những bất lợi do thiên tai gây nên.
Tuy vậy, tình hình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cán cân gia nhập và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp vẫn theo chiều hướng tích cực. Tính chung trong 9 tháng, bình quân một tháng, cả nước có 20,3 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Cao hơn so với số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường (hơn 18 ngàn).
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 9 tháng năm 2024, có 1.390 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 14.900 tỷ đồng và 480 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Có 1.870 doanh nghiệp gia nhập thị trường, nhưng chỉ có 1.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 21,2 ngàn doanh nghiệp hoạt động. Bà Rịa - Vũng Tàu luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có số lượng doanh nghiệp/1.000 dân cao nhất cả nước và thu nhập bình quân tháng của người lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động, luôn duy trì ở mức cao, có thời điểm đứng đầu cả nước.
Điều đó không chỉ khẳng định vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, của đội ngũ doanh nhân đối với nền kinh tế địa phương, mà còn cho thấy những chính sách tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đủ sức mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm 2024 với áp lực lạm phát gia tăng, cộng với những biến động khó lường khác, dự báo cộng đồng doanh nghiệp sẽ bước vào thử thách mới, dù trước đó họ đã gặp phải những khó khăn “chưa có trong tiền lệ”.
Sự gia tăng chi phí sản xuất và mức tăng lãi suất điều hành từ 4,5% lên 5,0% vào tháng 10 năm 2024 để kiểm soát lạm phát chắc chắn sẽ tạo ra thách thức cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Đây là thời điểm, cộng đồng doanh nghiệp cần hơn nữa những sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và chính sách linh hoạt hơn.
Thực tế, đến nay, nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành, nhưng hiệu quả chưa nhiều. Theo một thống kê của VCCI, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ tài chính. Do đó, hệ thống tài chính và ngân hàng cần được cải cách sâu rộng để tăng cường khả năng tiếp cận vốn vay cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về môi trường kinh doanh, nhìn chung, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều rào cản. Nhất là những rào cản về thủ tục hành chính, chi phí không chính thức và sự phức tạp trong quy định pháp luật. Việt Nam xếp hạng 70/190 về Chỉ số dễ dàng kinh doanh năm 2024. Nghĩa là vẫn còn nhiều lĩnh vực cần cải thiện phù hợp hơn với doanh nghiệp.
Việc cải cách hành chính cần được thực hiện một cách mạnh mẽ hơn, tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan và đất đai. Cần nhiều hơn các giải pháp số hóa, áp dụng công nghệ thông tin vào các quy trình hành chính để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
HOÀNG PHỐ