Tạo hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân
Mới đây, chị Ngọc Cẩm, một nhân viên văn phòng tại Vũng Tàu, đã trở thành nạn nhân của việc mất tiền sau khi làm theo hướng dẫn từ số điện thoại 96197075… để nạp tiền vào tài khoản dịch vụ Grab. Dù số tiền không lớn, nhưng chị rất bức xúc khi không hiểu vì sao thông tin cá nhân của mình lại bị người khác biết rõ.
Tương tự, anh Minh Phương (TP.Bà Rịa) cũng thường xuyên nhận được hàng chục cuộc điện thoại từ các nhân viên tư vấn đầu tư, bảo hiểm, bất động sản và cho vay mua nhà, mua xe. “Họ biết rất rõ thông tin cá nhân và liên tục gọi chào mời, gây ảnh hưởng đến thời gian làm việc và nghỉ ngơi của tôi. Giờ tôi rất cẩn trọng và thậm chí không nghe máy khi số lạ gọi đến”, anh nói.
Tình trạng lộ thông tin cá nhân như trên không phải là hiếm. Thực tế, việc để lộ thông tin cá nhân đang diễn ra khá phổ biến do nhiều người thiếu chú ý trong việc bảo mật thông tin của mình, dễ dàng cung cấp cho người khác khi mua hàng hoặc trong các hoạt động kinh doanh. Hậu quả là họ có thể bị làm phiền bởi các cuộc gọi, tin nhắn và email quảng cáo. Thậm chí, kẻ xấu có thể thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi đã có đủ thông tin cá nhân của nạn nhân.
Hiện tại, hệ thống pháp luật Việt Nam có Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2024 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, định nghĩa về dữ liệu cá nhân và các biện pháp bảo vệ liên quan. Tuy nhiên, đây chỉ là một nghị định và chưa phải là văn bản luật, nên cần có quy định “luật gốc” mang tính nguyên tắc, góp phần thể chế hóa quy định của Hiến pháp để các quy phạm khác tuân thủ.
Do đó, Bộ Công an hiện đang lấy ý kiến từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự kiến trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8. Điều này nhận được sự đồng tình và ủng hộ từ người dân, bởi họ nhận thức rằng, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề cấp bách, liên quan đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân.
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm 7 chương và 68 điều, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Đối tượng áp dụng bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; và những đối tượng khác có liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.
Một điểm đáng lưu ý trong dự thảo là quy định rõ dữ liệu cá nhân không được mua bán dưới bất kỳ hình thức nào. Dữ liệu cá nhân phải được bảo vệ và bảo mật trong quá trình xử lý, bao gồm cả việc phòng ngừa các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và ứng phó với các sự cố có thể xảy ra. Chủ thể dữ liệu cũng có quyền khiếu nại, tố cáo và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi xảy ra vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Việc “hóa” luật bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ giúp ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền riêng tư, mà còn tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mọi công dân.
TRIỆU VỸ