.

Có bệnh đừng "vái tứ tung"

Cập nhật: 18:30, 07/10/2024 (GMT+7)

Bạn tôi, mới ngoài 40 tuổi, tình cờ phát hiện bệnh tiểu đường typ 2 sau lần xét nghiệm tiền phẫu thuật khối u. Anh đã vô cùng lo lắng vì cho rằng, mắc bệnh tiểu đường thì coi như đã “xong một đời”. Dù được bác sĩ tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị hợp lý cho tiểu đường ở giai đoạn sớm, nhưng anh vẫn ăn không ngon, ngủ không yên.

Bẵng đi một thời gian, khi gặp lại, anh vui mừng cho biết đã khỏi hẳn tiểu đường nhờ uống một loại thuốc do người quen giới thiệu. Những viên thuốc nhỏ, màu nâu đen, có mùi hắc, được bao gói trong bịch nilon và không rõ nguồn gốc, chỉ có một mảnh giấy nhỏ hướng dẫn cách sử dụng. Vậy nhưng nó lại được coi như “thần dược” chữa bệnh tiểu đường và được truyền tai nhau để đặt mua và sử dụng. Trong khi đó, theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, cũng như nhiều bệnh rối loạn chuyển hóa khác, bệnh tiểu đường hiện chưa có cách gì chữa khỏi được. Việc tuân thủ một lối sống lành mạnh và tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ suốt cả cuộc đời để duy trì mức đường huyết an toàn đang là cách duy nhất.

Một thời gian ngắn, tôi nghe nói bạn phải đi cấp cứu do biến chứng của bệnh tiểu đường, và thậm chí còn có nguy cơ phải lọc máu do suy thận. Đó là một phần của hậu quả từ việc suốt thời gian khá dài, anh sử dụng thuốc bừa bãi, không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

Điều đáng tiếc là trước đó, trong gia đình anh bạn cũng đã xảy ra tình trạng tương tự, khi mẹ anh tự ý điều trị bệnh đau nhức xương khớp bằng một loại thuốc không rõ nguồn gốc nhưng “cắt cơn đau” rất nhanh được bán trên mạng xã hội bởi một vị “lương y chuyên bán thuốc gia truyền” nào đó. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng thuốc, tình trạng đau nhức, khó vận động của bà càng ngày càng trở nặng. Kết quả xét nghiệm của bà cho thấy tồn dư của corticoid dẫn đến những biến chứng nặng khó phục hồi không chỉ ở xương khớp mà còn cả ở gan và thận.

“Có bệnh thì vái tứ phương” là tâm lý và cũng là lý do “bào chữa” cho việc “ai chỉ gì nghe nấy” của khá nhiều người, trong đó có cả những người từng đến bệnh viện để khám và điều trị nhưng chưa thể khỏi dứt bệnh. Trong khi đó, theo quy trình điều trị, nhất là với những bệnh mãn tính, không thể ngày một ngày hai mà thuyên giảm, thậm chí có những bệnh buộc người bệnh phải “sống chung” cả đời. Việc tuân thủ điều trị có tác dụng làm giảm hoặc ngăn ngừa tình trạng nặng hơn, biến chứng của bệnh mà không thể chữa khỏi hoàn toàn (ví dụ như các bệnh lão khoa, cao huyết áp, tiểu đường...).

Lợi dụng tâm lý này của một bộ phận người bệnh, những “lang băm” đã tìm cách lừa đảo, bất chấp những hệ lụy về lâu dài, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Không chỉ bán thuốc, còn có những “lang băm” để nhanh chóng nổi tiếng, câu view, câu like đã bất chấp mà bày ra những chiêu trò “sống thuận tự nhiên để cơ thể tự chữa lành” một cách phản khoa học. Mới đây nhất là chiêu trò uống nước muối đậm đặc để thanh lọc cơ thể, từ đó chữa bách bệnh... Hay như chiêu trò chữa bệnh nan y bằng việc chỉ uống nước ion và nhịn đói nhiều ngày, dẫn đến tình trạng nguy kịch, mất cơ hội điều trị của nhiều người.

Cho dù các kênh truyền thông đại chúng đã liên tục cảnh báo, các chuyên gia y tế cũng thường xuyên đưa ra lời khuyên trong chăm sóc sức khỏe, nhưng số lượng nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo trên vẫn không thuyên giảm. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng siết chặt quản lý, ngăn chặn những tổ chức, cá nhân giả mạo lương y, bác sĩ để bán thuốc, chữa bệnh tràn lan trên mạng xã hội.

Quan trọng hơn, mỗi người phải biết cách tự bảo vệ mình bằng lối sống lành mạnh. Đặc biệt, phải tự trang bị cho mình các kiến thức cơ bản trong chăm sóc sức khỏe, tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Khi có bệnh hãy đến cơ sở y tế để được tư vấn, có hướng điều trị phù hợp, đừng “vái tứ tung” mà rước họa vào thân.

TIỂU CƯỜNG

.
.
.