Vốn vay cho doanh nghiệp FDI
Thị trường cho vay DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang trở nên sôi động trong vài năm gần đây. Cùng với ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng tư nhân cũng đang nỗ lực tìm giải pháp để thâm nhập phân khúc này. Bởi, đây được đánh giá là một thị trường rất tiềm năng.
Thời gian qua, dù kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức nhưng dòng vốn FDI vẫn được duy trì ở mức cao. Thông tin từ Bộ KH-ĐT cho hay, tính đến cuối tháng 9/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn là địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư FDI. Tính đến đầu tháng 9/2024, có 41 dự cấp mới và điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là hơn 1,874 tỷ USD, đạt 93,7% kế hoạch năm, tăng gấp 3,35 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Một khảo sát cho thấy, cùng với sự gia nhập mới của các DN FDI, có đến 70% DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, hoạt động kinh doanh. Đây là cơ hội cho các ngân hàng Việt mở rộng cung cấp các dịch vụ, giải pháp tài chính.
Thực ra, trước đây hầu hết các DN FDI tại Việt Nam có xu hướng sử dụng dịch vụ tài chính từ công ty mẹ hoặc các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Lý do là các ngân hàng nước ngoài chi phí vốn ưu đãi hơn, cùng với đó là sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa kinh doanh giữa các bên.
Thế nhưng, xu hướng này đã dần thay đổi, khi mà các ngân hàng Việt đã nỗ lực tìm giải pháp để triển khai. Bên cạnh việc tung ra các gói lãi suất ưu đãi cho DN FDI, các ngân hàng Việt còn tập trung xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, trang bị kiến thức tài chính và thông thạo ngôn ngữ nhiều quốc gia để hỗ trợ khách hàng. Họ sẵn sàng tư vấn, cung cấp các giải pháp tài chính ngân hàng cũng như hỗ trợ vướng mắc về pháp lý trong quá trình đầu tư của DN FDI tại Việt Nam…
Và sự nỗ lực của các ngân hàng Việt đã mang lại tín hiệu tích cực. Nhiều hợp đồng tín dụng lớn được ký kết. Chẳng hạn, giữa năm ngoái, VietinBank đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 120 triệu USD với Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (công ty thành viên của Tập đoàn SCG-Thái Lan).
Hiện nay, ngoài các ngân hàng thương mại quốc doanh như Vietcombank, VietinBank và BIDV đang dẫn đầu trong việc cung cấp dịch vụ tín dụng cho DN FDI, các ngân hàng tư nhân VPBank, ACB, Techcombank, SHB… cũng đang tập trung nhiều hơn vào FDI để bù đắp sự suy giảm doanh thu, nhất là trong bối cảnh sức cầu yếu, thậm chí trong những tháng đầu năm tín dụng của ngành ngân hàng tăng trưởng âm.
Rõ ràng, làn sóng FDI vào Việt Nam không chỉ là cơ hội với nền kinh tế nói chung mà còn cho các ngân hàng nói riêng. Việc đẩy mạnh cho các DN FDI vay vốn là một bước đi phù hợp, cần khai thác mạnh mẽ hơn trong tương lai, khi dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, mang lại cơ hội mở rộng tín dụng.
Thực tế cũng chứng minh rằng, so với DN nội địa, DN FDI có thị trường đầu ra ổn định và khả năng phục hồi tốt hơn trong các giai đoạn kinh tế khó khăn. Chẳng hạn như Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (Thái Lan), dù mới chính thức đi vào vận hành vào cuối tháng 9 vừa qua, nhưng đã có hơn 300 khách hàng trong nước và xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia trên thế giới.
MINH AN