Đã nhiều tuần trôi qua nhưng tình hình nắng nóng ở nước ta vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra dự đoán về ngày kết thúc kỳ nắng nóng kỷ lục này.
Nắng nóng khiến cuộc sống của người dân bỗng chốc bị đảo lộn. Thời tiết khô hanh khiến cây trồng không phát triển, nguồn nước cạn kiệt, trong khi lượng điện tiêu thụ cho các thiết bị làm mát như quạt, máy lạnh, tủ lạnh lại tăng cao. Và nhiều những vấn đề sức khỏe phát sinh do nắng nóng.
Theo các nhà nghiên cứu khí hậu, hiện tượng nắng nóng do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm biến đổi khí hậu do con người gây ra và ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino. Điều này đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, các nhà khoa học hoàn toàn bất ngờ trước diễn biến quá nhanh của nó, và điều đó đang dần vượt khỏi tầm dự đoán, kiểm soát của con người. "Chúng tôi luôn biết rằng thế giới sẽ chuyển biến theo hướng như thế này với lượng khí nhà kính ngày càng tăng, nhưng chúng ta đã vượt kỷ lục về nắng nóng sớm hơn dự kiến", Giáo sư Benjamin Horton, giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore cho biết.
Sự “đáp trả” của thiên nhiên với con người sẽ ngày càng tàn khốc nếu chúng ta không có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường. Những cam kết Net Zero hay "Phát thải ròng bằng 0" phải được coi là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia, chớ không chỉ là hành động hay cam kết đơn lẻ.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng đã có những hành động quyết liệt để góp phần làm giảm thiểu sự nóng lên của trái đất. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 1990 đến 2022, độ che phủ rừng của nước ta đã tăng từ 28% vào năm 1990 lên trên 42% vào năm 2022; hấp thụ được trên 70 triệu tấn CO2. Theo Chiến lược quốc gia về Ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2050 vừa được phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Dù vậy, như đã đề cập ở trên, những thảm họa do sự nóng lên của trái đất là điều khó tránh khỏi. Do đó, bên cạnh những hành động giảm thiểu, chúng ta cần học cách để “sống chung” với hiện tượng này. Ở một số quốc gia như Nhật Bản thường xuyên xảy ra động đất, núi lửa. Vì vậy, các kiến trúc sư, kĩ sư Nhật Bản đã không ngừng nghiên cứu các công nghệ, thiết kế mới để giảm chấn cho công trình, giúp các tòa nhà trụ vững trong những trận động đất mạnh. Những trận động đất tại Nhật Bản diễn ra thường xuyên nên người dân dần quen thuộc và có các biện pháp chống lại thiên tai và động đất diễn ra. Những kiến thức trang bị cho việc chống chọi lại động đất luôn được sẵn sàng. Sau nhiều thảm họa từ mẹ thiên nhiên, người Nhật nhanh chóng khắc phục hậu quả rất nhanh để ổn định lại cuộc sống và tiếp tục hoạt động thường ngày của mình.
Từ bài học kinh nghiệm của các nước, để “sống chung” với hiện tượng nóng lên toàn cầu, Việt Nam cần có những chiến lược, chính sách lâu dài để thích ứng với biến đổi khí hậu và những giải pháp để khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa từ thiên nhiên. Bên cạnh đó, một phần quan trọng trong chiến lược đó là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân cảnh cáo về biến đổi khí hậu và cách để họ có thể “sống chung” với nó; nhất là với thế hệ trẻ ngay khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
MINH THIÊN