Tránh bị lừa khi mua hàng online

Thứ Ba, 14/05/2024, 18:05 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, chị Mỹ Ngọc (phường 7, TP.Vũng Tàu) lên sàn thương mại điện tử S.P tìm mua máy ảnh để chuẩn bị đi du lịch cùng gia đình thì thấy shop có tên v.h.didonghn có bán sản phẩm hiệu Canon mà chị cần tìm.

Vốn tính cẩn thận, chị vào xem phần đánh giá sản phẩm thì thấy nhận xét tốt nên đặt mua. Cửa hàng nhanh chóng xác nhận đặt hàng thành công. Do số tiền mua máy ảnh gần 7 triệu đồng nên chị Ngọc có nhắn tin hỏi shop là có được kiểm tra khi được giao sản phẩm hay không thì được trả lời là không. Tuy nhiên, shop cam kết  hoàn tiền 100% nếu sản phẩm giao không đúng. 2 ngày sau, chị Ngọc nhận hàng và mở ra thì tá hỏa chiếc máy ảnh không phải hiệu Canon như chị đặt mà là chiếc iphone 14 giả.

Hốt hoảng, chị vào kiểm tra quá trình đặt hàng trên sàn thương mại điện tử S.P thì thấy sản phẩm chưa được giao cho đơn vị vận chuyển. Nhắn tin, gọi điện lại cho shop v.h.didonghn phản ánh thì được trả lời có thể bên giao hàng “tráo” sản phẩm. Để khách hàng an tâm, chủ shop hứa 1 tuần sau sẽ giao lại hàng mới, đồng thời sẽ cho nhân viên đến tận nhà kiểm tra lại sản phẩm. Tin tưởng, chị Ngọc đợi mãi vẫn không thấy có động thái gì bèn liên lạc lại nhưng không được.

Chị Ngọc chỉ một trong số rất nhiều trường hợp đã từng là nạn nhân khi mua hàng hóa trên các trang mạng xã hội.

Thời gian qua, xu hướng bán hàng online càng ngày càng phát triển. Chỉ cần ngồi ở nhà là người dân có thể đặt mua được tất cả các mặt hàng điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo...

Không thể phủ nhận những mặt tích cực của loại hình kinh doanh này mang lại nhưng bên cạnh đó cũng xảy ra tình trạng người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng như trường hợp chị Ngọc. Một trong những thủ đoạn phổ biến hiện nay là người bán sử dụng hình ảnh thật của hàng hóa, sản phẩm chính hãng để quảng cáo nhưng lại chào bán với giá rẻ hơn nhiều so với hàng thật và khi giao hàng cho người mua là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không giống với hàng thật cả về chất lượng và mẫu mã.

Hoạt động buôn bán hàng giả càng tinh vi, khó phân biệt, trong khi nhiều hãng không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình ở Việt Nam. Các DN cũng chưa quan tâm nhiều đến việc bảo vệ thương hiệu của mình trên thị trường. Trong khi đó, người kinh doanh không đăng ký kinh doanh, không kê khai doanh thu, bán hàng chủ yếu theo hình thức tiền trao tay, không hóa đơn, không có cửa hàng, cửa hiệu... gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Để ngăn chặn hành vi bán hàng lừa đảo trên các trang mạng xã hội, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như những DN làm ăn chân chính, các cơ quan chức năng cần tiếp tục kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, ngăn chặn, phòng ngừa đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm. Tập huấn, đào tạo cho các DN, chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định hàng hóa vi phạm.

TRIỆU VỸ

;
.