.

Cây xanh và phát triển đô thị

Cập nhật: 17:49, 17/05/2024 (GMT+7)

Cạnh cơ quan tôi là trụ sở một cơ quan Nhà nước đang được xây dựng. Mỗi lần đi qua công trình này, tôi hay nhìn vào, bởi ngoài khối nhà đồ sộ đang dần hoàn thiện, còn có 2 cây phượng mọc giữa sân, đang nở hoa rực rỡ.

Giữa công trường toàn bê tông, sỏi đá mang vẻ nóng bức, mắt tôi dịu lại bởi cây hoa gắn với tuổi học trò nhiều kỷ niệm này. Đó là 2 cây xanh hiếm hoi trong khuôn viên công trình, vốn được xây dựng trên khu đất là ruộng muối trước đây. Nhìn cái bồn xây bao quanh gốc, tôi đoán rằng ngay từ đầu, chủ đầu tư, đơn vị thi công đã cố gắng giữ lại 2 cây hiếm hoi này.

Đọc bài báo viết về việc chủ đầu tư và nhà thầu thi công một công trình xây dựng ở tỉnh Quảng Ngãi tìm mọi cách giữ lại hầu hết cây xanh có tuổi đời hơn 20 năm, trong đó có cả việc thay đổi thiết kế bể nước chữa cháy từ hình chữ nhật sang hình chữ Z chỉ để “né” một cây xà cừ cỡ lớn, thấy rất vui khi vẫn còn nhiều người nâng niu cây xanh.

Những năm gần đây, nước ta có tốc độ đô thị hóa nhanh. Để phục vụ yêu cầu phát triển hạ tầng, khó tránh khỏi việc chặt hạ, di dời cây xanh. Bởi lẽ, việc giữ lại cây xanh khi xây dựng công trình thường tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian và thủ tục phức tạp hơn nhiều so với chặt hạ, chưa kể có thể cây còn gây bất tiện như vướng lối đi, vướng vào hạng mục công trình chẳng hạn. Vì vậy, đa phần người ta chọn cách dễ làm, ít tốn kém hơn, đó là chặt hạ. Dĩ nhiên, việc chặt hạ cây xanh để phục vụ thi công công trình đã được phê duyệt và “đúng quy trình”. Thế nên, những người có lòng giữ lại - dù chỉ một cây xanh - cũng thật đáng trân quý!

Thực tế ở Bà Rịa-Vũng Tàu, khi thi công công trình, cơ quan chức năng cũng luôn tìm phương án tối ưu để giữ lại cây xanh. Đơn cử, năm 2018, khi thực hiện dự án mở rộng đường Trương Công Định (đoạn từ đường Trần Đồng đến đường Quang Trung), TP.Vũng Tàu đã giữ lại hơn 60 cây cổ thụ trên 100 năm tuổi ở 2 bên đường (chỉ phải chặt hạ 3 cây do nằm dưới lòng đường hoặc che khuất tầm nhìn). 2 hàng cây này được tính toán khéo léo cho nằm giữa dải phân cách ở cả 2 chiều. Đến nay, 2 hàng cây này vẫn xanh tốt, tỏa bóng mát rượi.

Điều đáng mừng, ngày càng có nhiều địa phương chú ý đến việc giữ gìn, bảo vệ cây xanh trong quá trình xây dựng, phát triển hạ tầng. Nhiều dự án giao thông đã được điều chỉnh thiết kế để giữ lại cây xanh.

Chặt hạ một cái cây hay một hàng cây rất dễ, khi chúng ta chỉ cần từ vài chục phút đến vài ngày. Nhưng để có một cây xanh hay một hàng cây tỏa bóng mát, chúng ta phải tốn nhiều năm trồng, chăm sóc, bảo vệ. Đáng tiếc, không ít trường hợp khi thực hiện dự án, chủ đầu tư, đơn vị thi công chưa chú trọng điều này. Theo quy định, công trình khi có chặt cây thì chủ đầu tư phải trồng cây khác bù lại. Có thể, người ta vẫn trồng, nhưng do không chăm sóc chu đáo nên cây èo uột, thậm chí là chết khô mà lờ đi việc trồng lại.

Bên cạnh đó, ở các đô thị, những hành vi phá hoại cây xanh như: đổ bê tông, xi măng lấp bít gốc cây hay đầu độc cây vì vướng lối đi, rễ cây ảnh hưởng đến tường nhà, hoặc đơn giản là chiếm dụng vỉa hè làm chỗ kinh doanh… còn khá phổ biến. Hành vi này rất đáng bị lên án và xử phạt mạnh tay.

Chúng ta đều biết rõ vai trò quan trọng của cây xanh đối với sức khỏe, đời sống con người, cũng như trong việc giữ đất, trữ nước, phòng, chống lũ lụt, giữ cho môi trường trong lành, điều hòa khí hậu... Với các đô thị, tỷ lệ cây xanh càng ít. Do đó, việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh không chỉ là nhiệm vụ của một cơ quan, doanh nghiệp mà còn là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của mỗi người dân!

NGUYỄN ĐỨC

 

.
.
.