Chợ chạy và chạy khỏi chợ
Sáng sớm, con phố rộng rãi dẫn vào khu dân cư Đại An (TP.Vũng Tàu) thường ngày im ắng, nay bỗng nhiên rôm rả hẳn lên. Không đâu, xuất hiện một sạp chợ ngay giữa phố. Cái sạp chợ này nó lạ lắm!
Phải nói, người nghĩ ra nó cũng thuộc dạng “bậc thầy” của cải hoán xe cộ. Nói một cách nôm na và dứt khoát: Cỡ đó mà cũng nghĩ ra được. Tài thật!
Cái sạp chợ dài hơn 3 mét, rộng trên dưới một mét rưỡi, được đóng kiên cố trên một thùng xe ba gác. Đầu kéo là một chiếc xe máy dream, mang thương hiệu xe Nhật, nhưng thực chất là xe Tàu.
Để dễ hình dung thì tổng thể cái sạp này mô phỏng hình dáng xe bò ngày xưa. Chỉ khác là thay vì dùng bò kéo, thì nó hoạt động dựa vào lực kéo của một cỗ máy 110 phân khối.
Nó cồng kềnh tương đương một xe tải cỡ nhỏ và rộng hơn mấy cái sạp ở chợ truyền thống.
Phía trên sạp, bày bán hàng trăm kg rau củ quả: hành, ngò, đậu phộng, rau cải, rau muống, bí ngô, cà rốt, khoai tây… Độ phong phú của hàng hóa là không khác gì một cái sạp ở chợ. Ước chừng, đủ phục vụ nhu cầu rau, củ của một khu dân cư trong một ngày.
Người điều khiển cái sạp chợ di động là một phụ nữ. Hẳn chị đã mất rất nhiều công sức để lái nó từ nhà ra phố, và chọn đỗ dưới một gốc cây mát mẻ. Cũng chính chị, tự tay bán hàng, mời gọi người mua, biến con phố im ắng mọi ngày, thành một góc mua bán rôm rả. Xe cộ dừng đỗ tứ tung.
Mọi thứ đều có điểm bắt đầu. Và không khéo, chính từ một cái sạp di động này, nay mai, ở dưới cái gốc cây mát mẻ kia, biết đâu lại phát lên thêm một cái chợ - mà ta vẫn thường gọi là chợ cóc, chợ tạm, chợ chạy…
Cách đây chưa lâu, trong bối cảnh hoạt động mua bán ở chợ truyền thống sụt giảm, lãnh đạo Sở Công thương tổ chức cuộc đối thoại với bà con tiểu thương. Nhiều tiểu thương đã được dịp này tỏ nỗi niềm. Họ lo lắng trước sức ép cạnh tranh của các loại hình mua bán phi truyền thống và sự phát triển của thương mại điện tử.
Nhưng chuyện này thì chịu.
Xã hội tiến lên, xu hướng mua bán dựa trên các tiện ích và nền tảng số là tất yếu. Tiểu thương ở chợ, hay ở đâu cũng vậy, đều phải tự tiến lên, tự tìm cách thích ứng, chuyển biến. Bà con tiểu thương cũng thừa nhận như vậy. Họ chỉ mong muốn, trong bối cảnh khó khăn chung, được xem xét giảm các loại thuế, phí. Điều này cũng đã được lãnh đạo Sở Công thương trình bày trước hội nghị tiếp xúc cử tri với Đoàn ĐBQH tỉnh.
Nhưng còn chuyện khác mà tiểu thương chợ truyền thống thực sự bất bình, bức xúc. Đó chính là sự phát triển chưa kiểm soát được của các loại hình bán rong, chợ cóc, chợ tạm. Chợ cóc mọc lên ngay bên cạnh hàng rào của chợ truyền thống. Người buôn bán trong chợ thì chịu phí thuê sạp. Người bán trước cổng chợ thì hầu như không chịu các khoản thuế, phí chính thức nào. Vậy làm sao mà cạnh tranh? Làm sao tiểu thương có thể bám trụ ở chợ truyền thống? Thành ra, có người đã phải đóng sạp nghỉ bán. Có người chạy khỏi chợ ra đường dựng sạp, cạnh tranh tay đôi với những người bán rong…
Chuyện về những sạp chợ di động, về chợ cóc, chợ tạm và chợ chạy đối nghịch với thực trạng tiểu thương rời bỏ chợ truyền thống đang là thực tế đặt ra ở các địa phương. Có thể xử lý chợ tự phát không giải quyết hết khó khăn của chợ truyền thống. Nhưng chí ít, nó cũng đưa điều kiện buôn bán vào trật tự, an toàn, và bảo đảm mỹ quan đô thị.
PHAN HÀ