Cách đây hơn một tuần, bạn tôi - biên tập viên của một nhà xuất bản gọi điện thoại thông báo đã quyết định đi đăng ký hiến tạng sau nhiều năm băn khoăn, e ngại khi không vượt qua định kiến của bản thân cũng như gia đình. Thế nhưng, sau khi chứng kiến người chị họ đã mất khi mới 35 tuổi vì bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối, bạn không thể chần chừ thêm nữa. Dù có lẽ, vì rất nhiều nguyên nhân, đây là một quyết định khá khó khăn đối với bạn.
Đối với tôi, thông tin này đã tác động vào suy nghĩ của mình rất nhiều. Hơn 15 năm qua, thường xuyên vào bệnh viện để chăm mẹ bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối, tôi đã chứng kiến nhiều người bị suy thận, suy tim, gan… giai đoạn cuối, do thiếu nguồn tạng nên cũng giống như đang bị “án tử” treo lơ lửng. Nhiều bệnh nhân đã không thể kéo dài sự sống, dù tuổi đời còn ít.
Với sự tiến bộ vượt bậc của y học trong thời gian qua, việc ghép tạng đã và đang làm hồi sinh hàng ngàn sự sống. Kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người vào tháng 6/1992, đến nay ngành y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, các công nghệ. Kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới. Trên toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công, ghép được hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy.
Cùng với đó, ngày càng nhiều người đã đăng ký hiến tạng, là một tín hiệu đáng mừng cho thấy tình yêu thương con người được phát huy, lan tỏa mạnh mẽ. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023 tỷ lệ người chết não hiến mô tạng đã tăng 15% so với năm trước. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam cũng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng ca ghép tạng hàng năm. Và những bệnh nhân suy thận mãn như mẹ tôi hẳn sẽ có nhiều cơ hội được khỏe mạnh trở lại để nối dài sự sống nếu như được ghép tạng kịp thời.
Tuy nhiên, hiện nay nước ta vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu ghép tạng của người bệnh khi hơn 94% số tạng ghép đến từ nguồn hiến sống. Nguồn mô, tạng của người hiến ở nước ta còn khan hiếm so với nhu cầu cần được ghép. Dù số lượng người đăng ký hiến mô tạng tăng nhưng tỷ lệ này mới chỉ chiếm 0,086% dân số, rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tại lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi” do Bộ Y tế, Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, phối hợp tổ chức ngày 19/5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não và kêu gọi người dân chung tay tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng cứu sống người bệnh.
Đến nay trên cả nước vẫn còn hàng chục ngàn người bệnh đang giành giật sự sống từng ngày để chờ được ghép tạng. Trong khi đó, một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 8 người. “Cho đi là còn mãi” - thông điệp này cần được lan tỏa mạnh mẽ, để mỗi người trong chúng ta thấy rõ ý nghĩa nhân văn của hành động hiến tạng, giúp nhiều bệnh nhân thoát “án tử”, có cơ hội may mắn được sống lần thứ hai.
NGÔ GIA