Đừng chủ quan với bệnh dại
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố; 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh dại (trong đó 80% trường hợp là do chó). 3 tháng đầu năm nay, cũng đã có 27 người tử vong vì bệnh dại.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ năm 2014 đến nay, tỉnh không ghi nhận trường hợp tử vong nào do bệnh dại gây ra. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một ổ dịch dại tại huyện Châu Đức và một trường hợp chó nghi mắc dại cắn người tại huyện Đất Đỏ.
Những con số thống kê kể trên là rất đáng báo động, trong bối cảnh nhiều gia đình nuôi chó, nhưng tỉ lệ chó nuôi được tiêm vaccine phòng bệnh dại còn thấp, cả nước mới đạt khoảng 54%. Nhiều hộ nuôi chó, nhất là ở vùng nông thôn vẫn có thói quen thả rông, không đeo rọ mõm cho chó khi ra đường. Bên cạnh các loại chó cảnh trọng lượng nhỏ, nhiều người còn thích nuôi các giống chó to lớn, hung dữ, luôn gầm gừ, đe dọa khi gặp người lạ, khiến người dân bất an.
Lâu nay, xung đột giữa những người thích nuôi chó với những người không thích loài vật này luôn diễn ra rất căng thẳng. Người yêu chó thì coi chúng như thú cưng, như người bạn, như con cháu trong nhà. Người ghét chó thì có thể kể ra hàng dài các tật xấu của chúng, thậm chí coi chúng như kẻ thù. Cũng vì vật nuôi này mà đôi khi hàng xóm láng giềng nảy sinh kiện tụng, bất hòa. Ngoài việc chủ nuôi cho phóng uế bừa bãi ra đường, nơi công cộng, vật nuôi này còn khiến người xung quanh lo sợ chúng có thể lao vào cắn mình bất cứ lúc nào. Đã thế, chúng còn sủa cả ngày lẫn đêm khiến hàng xóm mất ngủ. Trên thực tế, nhiều vụ chó cắn người đã xảy ra, trong đó có nhiều nạn nhân là chủ nuôi cũng bị chó cắn dẫn đến tử vong.
Từ bao đời nay, chó là vật nuôi gần gũi với đời sống con người. Chúng được xác định là loài vật trung thành với chủ, hữu ích, thông minh, không chỉ giúp chủ giữ nhà, bảo vệ tài sản, chúng còn được các lực lượng chức năng như công an, quân đội nuôi và huấn luyện thành chó nghiệp vụ. Nhiều chú chó đã trở thành nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm văn học bất hủ. Ngoài đời thực, chúng ta cũng chứng kiến không ít câu chuyện, hình ảnh cảm động chó cứu chủ, giúp đỡ người khác…
Vậy làm sao để người yêu chó vẫn được thỏa đam mê nuôi chó mà vẫn bảo đảm an toàn và không gây phiền hà đến những người xung quanh?
Trước hết, chủ nuôi cần phải tiêm đầy đủ vaccine phòng dại cho chó và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của cơ quan thú y. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất và có chi phí rẻ nhất để phòng chống bệnh dại trên người. Khi đưa chó đến nơi công cộng, nơi đông người, khu dân cư, chủ nuôi phải quản lý và tuân thủ đầy đủ các quy định nhằm bảo đảm an toàn cho người xung quanh (đeo rọ mõm, có dây xích, người dắt) và bảo đảm vệ sinh môi trường. Chó nuôi không gây ảnh hưởng tới người khác, sẽ không có xung đột giữa chủ nuôi với những người xung quanh. Từ đó, tình làng nghĩa xóm cũng được bảo đảm.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động chủ nuôi đưa chó đi tiêm phòng đầy đủ và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo và động vật khác có nguy cơ gây bệnh cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý. Đồng thời, cơ quan thú y các địa phương cần tăng cường tỷ lệ tiêm phòng vaccine cho chó, mèo đạt mức tối thiểu 70-80% và quản lý tốt việc nuôi nhốt chó, mèo của cư dân.
NGUYỄN ĐỨC