Cần lắm sự tỉnh táo của khách hàng
Gần đây, các ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo về tội phạm công nghệ cao liên quan đến giao dịch ngân hàng. Tuy vậy, một số khách hàng vẫn mất cảnh giác, bị đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Mới đây, chị H. - một người dân ở TP.Hồ Chí Minh sau nghe điện thoại của người tự xưng là "cán bộ công an", đề nghị vào link cập nhật thông tin cá nhân. Sau đó, chị phát hiện mất tiền trong tài khoản và thẻ tín dụng.
Theo trình báo của chị H., người tự xưng là công an yêu cầu chị cập nhật dữ liệu dân cư do sai sót thông tin. Người này kết bạn với chị qua Zalo để hướng dẫn cách làm. Sau đó, đối tượng gửi cho chị H. đường link, yêu cầu bấm vào tạo tài khoản, điền một số thông tin cá nhân (họ tên, số CCCD...). Một lúc sau, chị nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến tài khoản ngân hàng thì nghi ngờ nên không trả lời nữa. Tuy nhiên, ngay sau đó, các tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng của chị H. đã bị chiếm đoạt với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.
Chị H. không phải là trường hợp hiếm gặp gần đây bị lừa đảo rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Thông tin từ các ngân hàng cho hay, đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau như: Giả mạo số điện thoại gần giống với Tổng đài của ngân hàng; Giả mạo tin nhắn trúng thưởng từ các trang thương mại điện tử; Mạo danh nhân viên ngân hàng mời vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động để nhận tiền giải ngân... Thậm chí, chúng còn giả mạo cả công an đề nghị khách hàng cập nhật dữ liệu dân cư hoặc sửa thông tin sai.
Lãnh đạo BIDV cho biết, gần đây một số khách hàng nhận được tin nhắn SMS có brandname (thương hiệu) BIDV thông báo trúng thưởng, tặng quà, ưu đãi lớn… và gửi kèm đường link để khách hàng nhập thông tin cá nhân, thông tin tài khoản. Trước tình trạng này, BIDV đã phát đi thông tin cảnh báo, khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không bấm vào các đường link gửi qua SMS mạo danh BIDV. Đồng thời, đề nghị khách hàng nếu phát hiện hoặc nghi ngờ tin nhắn giả mạo, thông báo ngay cho BIDV tại các điểm giao dịch gần nhất, hoặc liên hệ cơ quan công an để được hỗ trợ.
Trước đó, một số khách hàng của Vietcombank, Agribank… cũng đã gặp tình trạng tương tự. Các ngân hàng này cũng đã thường xuyên cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở giao dịch và cập nhật trên website chính thức của ngân hàng. Tuy vậy, vẫn có khách hàng mất cảnh giác và mắc bẫy.
Thời gian qua, để tăng cường bảo mật, ngoài việc đầu tư vào công nghệ, cảnh báo người dùng, các ngân hàng cũng triển khai nhiều giải pháp khác. Chẳng hạn, VietABank mới đây đã triển khai tính năng "Chặn đăng nhập ứng dụng VietABank EzMobile trên thiết bị lạ". Khách hàng chỉ được đăng nhập trên thiết bị di động thường xuyên sử dụng. Ngân hàng này cũng khuyến cáo khách hàng không hoặc hạn chế tối đa việc đăng nhập ứng dụng VietABank EzMobile trên thiết bị khác (tạm gọi là thiết bị thứ 2 ngoài thiết bị mà khách hàng đang sử dụng để đăng nhập) nhằm tăng cường an ninh và bảo vệ tài khoản. Trong trường hợp cần phải đăng nhập, khách hàng cần liên hệ tới tổng đài hoặc tới điểm kinh doanh gần nhất của VietABank để được hỗ trợ....
Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường bảo mật của ngân hàng thì bản thân khách hàng cũng cần nâng cao cảnh giác. Đó là không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân như: CCCD, hộ chiếu, hình ảnh nhận diện khuôn mặt… và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN, mã OTP, số tài khoản,…) cho bất cứ ai qua các kênh: điện thoại, email, mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin, website, đường link lạ khi chưa xác thực được danh tính. Tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ; không thực hiện các giao dịch chuyển tiền, nạp tiền vào tài khoản, số điện thoại do người khác chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng, khuyến mại, vay vốn…
HÀ AN