.

Đánh cược sức khỏe vì áp lực có con trai

Cập nhật: 18:17, 07/04/2024 (GMT+7)

Mới đây, một người phụ nữ gần 40 tuổi suýt mất mạng vì lần mổ lấy thai thứ 4, do tử cung bị vỡ dọc từ vết mổ lấy thai cũ. Điều đáng nói, chị liều mạng như vậy để cố gắng sinh con trai, sau 3 lần trước toàn sinh con gái. Nhưng lần thứ 4 suýt mất mạng này của chị vẫn không đạt như ý nguyện. Không biết sau lần này, gia đình chị có còn tiếp tục “đánh cược” mạng sống của chị để tiếp tục nuôi hi vọng có con trai hay không.

Hay câu chuyện của chị H.T., 33 tuổi từng "đánh cược" mạng sống của mình vì áp lực sinh con trai cho gia đình chồng cũng là ví dụ điển hình. Chị sinh mổ bé gái thứ 2 mới được 3 tháng thì mang bầu lần 3, nhưng do sức khỏe quá yếu, chị bị sảy thai. 3 tháng sau, chị lại tiếp tục... mang bầu. Lần này, chị may mắn có được con trai nên dù sức khỏe không cho phép, chị và chồng vẫn cố giữ lại. Tháng thứ 6 của thai kỳ, chị buộc phải nhập viện theo dõi vì tử cung có thể vỡ bất cứ lúc nào ở vết mổ cũ.

Trên mạng xã hội vừa qua cũng lan truyền câu chuyện gây tranh cãi về việc người chồng quỳ gối cảm ơn vợ sinh con trai sau 3 lần sinh con gái. Trong các bình luận của cộng đồng mạng, người chồng bị chỉ trích gay gắt cho dù người vợ đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ. Người vợ trong câu chuyện cảm thấy hạnh phúc vì được chồng chăm sóc sau khi sinh con trai, trong khi 2 lần trước sinh con gái, cô ấy không nhận được sự chăm sóc này. Những lời lẽ biện minh cho chồng của người vợ càng làm cộng đồng mạng phẫn nộ, bất bình trước sự đối đãi trọng nam khinh nữ của người chồng.

Những câu chuyện tưởng chừng như chỉ còn trên phim ảnh, thế nhưng nó vẫn đang xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Dù thời đại ngày nay, nam nữ bình đẳng, nhưng rõ ràng qua những câu chuyện nói trên cho thấy tư tưởng coi trọng con trai nối dõi vẫn ăn sâu trong một số gia đình. Điều đáng buồn là sự thỏa hiệp, chấp nhận “đánh cược” sức khỏe bản thân cho gia đình chồng có con trai của người phụ nữ. Họ đáng thương nhưng cũng đáng giận vì sự thiếu nhận thức và tự coi nhẹ giá trị của bản thân.

Thời gian qua, đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi như cấm siêu âm giới tính, phá thai hay các biện pháp “canh trứng”. Tuy nhiên, những giải pháp này không hiệu quả, mà còn vô tình gây thêm áp lực cho các gia đình, nhất là người phụ nữ. Bởi tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi trở nên nghiêm trọng hơn, cốt lõi do tâm lý thích sinh con trai hơn con gái của nhiều gia đình Việt.

Do đó, cần nhìn nhận vấn đề này trong bối cảnh rộng lớn. Xã hội dù có tiến bộ, vai trò của người phụ nữ trong xã hội được nâng lên, nhưng trong gia đình, trọng nam, khinh nữ vẫn xảy ra thì rất khó để người phụ nữ được xem trọng, bình đẳng như nam giới. Bản thân người phụ nữ không được xem trọng trong gia đình sẽ thiếu tự tin, khó phát huy được đầy đủ năng lực của bản thân trong môi trường làm việc, giao tiếp ngoài xã hội.

Điều này cần được thay đổi từ gốc rễ quan điểm truyền thống của người Việt, con trai là để nối dõi tông đường, là người thờ tự sau này. Khi chúng ta ở trong "thế giới phẳng", những quan niệm cổ truyền như tập tục thờ tự chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống phong phú này. Đừng để điều đó làm ảnh hưởng đến những giá trị cốt lõi của cuộc sống gia đình là tình thương yêu, cùng nhau sẻ chia niềm vui, nỗi buồn, cùng nhau vượt qua khó khăn.

MINH THIÊN

.
.
.