.

Đưa sản phẩm OCOP đến bàn ăn

Cập nhật: 17:35, 10/04/2024 (GMT+7)

Chuyến công tác tại một số tỉnh miền Trung tuần qua, điều mà chúng tôi rất ấn tượng là trong các bữa ăn do đơn vị sở tại mời đều có món bánh tráng gạo nước cốt dừa có xuất xứ từ Bình Định. Điều thú vị hơn, không chỉ tại Bình Định mà ngay cả ở Phú Yên hay Quảng Ngãi, món khai vị lúc chờ món chính lên trước bữa ăn đều là bánh tráng thương hiệu Dalop, sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao cấp tỉnh thuộc công ty TNHH Nhân Hòa có trụ sở tại KP.Song Khánh, phường Hoài Xuân, TX.Hoài Nhơn, Bình Định.

Trong câu chuyện giới thiệu với bạn bè, những đồng nghiệp công tác tại Báo Bình Định kể cho chúng tôi nghe về nguồn gốc xuất xứ của loại bánh tráng này. Bình Định nổi tiếng với rừng dừa Tam Quan, với nhiều món ăn đặc sản được chế biến từ trái dừa. Trong đó, bánh tráng nước cốt dừa được đông đảo mọi người ưa chuộng cũng như hay mua về làm quà mỗi khi ghé qua nơi đây. Sản phẩm bánh tráng nước cốt dừa nướng với các thành phần chính từ gạo, bột mì và nhờ có pha thêm nước cốt dừa nên bánh có độ béo ngậy, hương vị dừa thơm ngon đặc trưng. Để bánh có chất lượng cao nhất, thì loại dừa nguyên liệu được chọn phải là trái nhiều cơm, không được quá già cũng như quá non, nhằm tạo nên độ béo ngậy của bánh.

Câu chuyện kể hấp dẫn, cùng với hương vị đặc biệt của bánh tráng nước cốt dừa nơi đây đã chinh phục chúng tôi một cách dễ dàng. Sau chuyến công tác, khi trở về TP.Vũng Tàu, món quà mà chúng tôi mang theo là bánh tráng nước cốt dừa - sản phẩm OCOP ở Bình Định để tặng bạn bè, người thân.

Điều mà chúng tôi thực sự ấn tượng, đó là cách Bình Định quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương mình. Họ đã đưa được sản phẩm OCOP đến tận bàn ăn, nhất là vào cả những nhà hàng sang trọng, nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà vươn xa đến bàn ăn, trong các nhà hàng của nhiều địa phương khác.

Và chúng tôi cũng không khỏi băn khoăn khi nghĩ về sản phẩm OCOP của Bà Rịa - Vũng Tàu. Chúng ta có 147 sản phẩm OCOP, trong đó có 63 sản phẩm 3 sao và 84 sản phẩm 4 sao, nhưng khi đến siêu thị, cửa hàng bán lẻ hay địa điểm du lịch, rất khó để tìm thấy những sản phẩm này. Trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 4 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, những địa điểm này cũng không phải là nơi có nhiều khách du lịch thường đến hoặc đông đúc dân cư, khu mua sắm. Hỏi một số người thân, bạn bè cũng không có nhiều người kể được sản phẩm OCOP của Bà Rịa - Vũng Tàu. Thậm chí, có lần chị bạn kể, khi có khách phương xa ghé chơi, hỏi sản phẩm OCOP mua về làm quà thì chị đã không biết phải đến chỗ nào.

Cách làm của một số địa phương mà chúng tôi đã đến tham quan cho thấy, họ đã kích hoạt sự tham gia của cộng đồng để quảng bá sản phẩm OCOP. Đây cũng là một cách làm hay mà Bà Rịa - Vũng Tàu có thể thực hiện. Đó là ngoài việc xúc tiến thương mại, tìm đối tác phân phối sản phẩm, các địa phương còn kết hợp với du lịch để giúp quảng bá và có thêm một kênh tiêu thụ hiệu quả từ du khách. Đơn cử như chỉ cần bước xuống sảnh khách sạn là có ngay một gian trưng bày, bán sản phẩm OCOP của địa phương. Còn khi đến khu du lịch, nhà hàng đặc sản thì cũng không khó để thưởng thức hay mua sản phẩm OCOP của chính địa phương đó.

Rõ ràng, sản phẩm OCOP chỉ có thể phát triển, vươn xa nếu như được tăng thêm giá trị và biết cách quảng bá phù hợp. Làm thế nào để sản phẩm OCOP trở thành một “đại sứ” về văn hóa, ẩm thực riêng có của mỗi địa phương đó, như cách mà bánh tráng nước cốt dừa của Bình Định đang có mặt ở mỗi bàn ăn.

NGÔ GIA

.
.
.