Muốn an toàn phải quản thật chặt!
Trong mấy ngày qua, vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng sau khi ăn sáng trước cổng trường tại Nha Trang, Khánh Hòa khiến 39 học sinh phải nhập viện, 1 trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân làm rúng động dư luận.
Đang cao điểm mùa nắng nóng, càng làm gia tăng mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với hàng rong, quán cóc vỉa hè, nơi công cộng và đặc biệt lân cận trường học.
Một clip được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, cảnh ông chủ của quán cóc vỉa hè đã có hành vi sử dụng tô, chén của khách ăn trước mà không hề rửa, vệ sinh để phục vụ khách ăn sau. Trước đó không lâu, cộng đồng từng bức xúc và tẩy chay khi một quán cóc vỉa hè khác bị "bóc phốt" với hành vi bà chủ quán sử dụng lại bún thừa của khách trước để bán cho khách sau.
Những sự vụ trên không hẳn là phổ biến, nhưng là những dấu hiệu cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm đang có nhiều bất ổn. Những bất ổn dễ nhận diện nhất không chỉ ở khâu sản xuất, nuôi trồng mà là chế biến thực phẩm, sát sườn với người tiêu dùng.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bao giờ hết "nóng” dù chính quyền và cơ quan chức năng tìm đủ mọi cách để tuyên truyền, quản lý. Tâm lý chung của người tiêu dùng vẫn cho rằng, thực phẩm dễ bị nhiễm độc và gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhất nằm ở khâu nuôi, trồng, sản xuất. Quá trình này thường dễ bị lạm dụng hoặc còn tồn dư hóa chất độc hại khi sản phẩm đến tay người chế biến, tiêu dùng. Ở khâu chế biến, nếu các nguồn nguyên liệu bảo đảm, có nguồn gốc thì ít ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, thực tế không hẳn vậy nếu ở khâu chế biến, các ông/bà chủ không bảo đảm vệ sinh trong quá trình dự trữ, bảo quản thực phẩm. Thậm chí, với những hành vi bị "bóc phốt" kể trên thì không khác gì chính họ vì lòng tham đã làm ô nhiễm thực phẩm và chủ động đầu độc thực khách.
“Mùa cao điểm” hàng năm về bảo đảm an toàn thực phẩm đang được khởi động ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Những diễn biến phức tạp của tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm khiến cho không chỉ chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng mà cộng đồng cũng cảm thấy bất an. Nếu không có giải pháp thích ứng, siết chặt quản lý ở mọi khâu trong chuỗi thực phẩm thì khó lòng "giảm nhiệt".
Song song với việc quản chặt ở mọi khâu, cũng rất cần có giải pháp để thực phẩm sạch, chế biến, dịch vụ sạch lên ngôi. Và một trong những nội dung quan trọng nữa là kiến thức người tiêu dùng cũng được bổ trợ, nâng cao, biết lựa chọn thực phẩm sạch, cơ sở sạch, bảo đảm an toàn để sử dụng, thay vì tiện đâu mua đó, tiện đâu ăn đó như đang diễn ra. Bởi một khi nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm, dịch vụ không an toàn vẫn còn thì những cơ sở "bẩn" vẫn còn đất sống! Chính vì vậy, cùng với chính quyền, cơ quan chức năng, người tiêu dùng phải thực sự chung tay, đẩy lùi và triệt tiêu cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Theo kế hoạch vừa được Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5. Tháng hành động năm nay có chủ đề là “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động, trước ngày 10/4 ở cấp trung ương sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra liên ngành do 3 bộ chủ trì (Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương), phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố trọng điểm. Đồng thời, các tỉnh, thành cả nước cũng thành lập các đoàn kiểm tra và tăng cường các hoạt động truyền thông về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm được coi là điểm nhấn của năm để tăng cường hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tiếp tục "đánh động" ý thức cộng đồng đối với lĩnh vực này.
TIỂU CƯỜNG