Minh bạch trong kinh doanh xăng dầu

Thứ Sáu, 08/03/2024, 16:49 [GMT+7]
In bài này
.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP, cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) cho từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.

Quy định này lẽ ra đã bắt buộc áp dụng từ tháng 12/2023 (trong khi các ngành nghề khác đã áp dụng từ tháng 7/2022). Tuy nhiên, từ đó đến nay, cơ quan thuế vẫn dành thời gian để DN bán lẻ xăng dầu chuẩn bị, tính toán công nghệ, lựa chọn phần mềm, chi phí lắp đặt… cũng như cơ quan quản lý có thêm thời gian để tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai và hỗ trợ DN, chưa xử lý với đơn vị chưa áp dụng.

Thực tế, từ khi áp dụng quy định đến nay, rất ít người đổ xăng yêu cầu xuất HĐĐT. Trong khi đó, nhân viên cây xăng không chủ động xuất HĐĐT nếu khách không yêu cầu. Cũng giống như nhiều dịch vụ khác, hiện nay người dân chưa có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ, dù giá bán hàng hóa đã bao gồm cả thuế VAT. Tâm lý chung của đa số người dân là ngại mất thời gian chờ đợi và có lấy hóa đơn cũng không để làm gì.

Suy nghĩ này khiến cho khách hàng chịu thiệt vì quyền lợi không được bảo đảm, bởi có thể mua phải hàng lậu, hàng kém chất lượng. Khi có tranh chấp, khiếu nại, khách hàng sẽ không được bảo vệ vì không có chứng từ chứng minh. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước có thể bị thất thoát bởi hành vi trốn thuế của người bán. Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước không nắm được sát diễn biến và nhu cầu thị trường dẫn đến dự báo thiếu chính xác nguồn cung, ảnh hưởng tới các quyết định trong quản lý, điều hành và có thể gây hậu quả nặng nề đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định, việc xuất HĐĐT và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế sẽ góp phần hạn chế hoạt động kinh doanh xăng dầu lậu, kém chất lượng. Bởi khi quản lý được đầu ra, đầu vào, DN không thể nhập nhằng, trộn lẫn xăng dầu mua từ đại lý chính thức với xăng dầu lậu. Đây là lợi ích lâu dài mà người tiêu dùng cần ủng hộ vì lợi ích của chính mình. Hơn nữa, áp dụng HĐĐT cũng là để minh bạch thông tin, bảo đảm công bằng với các DN làm ăn chân chính.

Mới đây, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Dứt khoát trong tháng 3 này, nếu các cửa hàng xăng dầu không sử dụng HĐĐT thì thu giấy phép”. Chỉ đạo của Thủ tướng là chỉ lệnh cuối cùng, buộc các DN kinh doanh xăng dầu phải thực hiện, bởi họ đã có thời gian để chuẩn bị các điều kiện cần thiết. DN không thể viện lý do tốn kém chi phí đầu tư, lắp đặt thiết bị, phần mềm hay thêm chi phí xuất hóa đơn để trì hoãn thực hiện như trước.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến ngày 26/2, cả nước có 7.542 cây xăng trên tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã áp dụng xuất HĐĐT theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Như vậy, vẫn còn hơn 9.000 cửa hàng chưa thực hiện HĐĐT. Hạn cuối để thực hiện HĐĐT đang rất gần, trong khi số cửa hàng chưa áp dụng vẫn còn rất lớn. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, các DN kinh doanh xăng dầu, nhà cung cấp phần mềm, thiết bị, cũng như sự hợp tác của người dân trong việc yêu cầu xuất hóa đơn khi đổ xăng, buộc DN phải chấp hành.

HĐĐT là xu hướng tất yếu của mọi ngành nghề, trong đó có ngành kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Đây là bước đi quan trọng giúp DN tiếp cận trình độ hiện đại, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí và tăng cường minh bạch trong giao dịch, cũng như góp phần hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số của Chính phủ.

NGUYỄN ĐỨC

;
.