Băn khoăn dạy và học môn tự chọn

Thứ Hai, 04/03/2024, 19:48 [GMT+7]
In bài này
.

Trong một cuộc nói chuyện về giáo dục, bạn tôi đang dạy môn Hóa tại một trường THPT bày tỏ nỗi lo trước nguy cơ thiếu tiết dạy của mình và đồng nghiệp dạy cùng bộ môn. Bởi qua hai năm HS học theo tổ hợp môn tự chọn của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới), hầu hết HS của trường không lựa chọn môn Hóa để học, vì lý do học khó và không dễ đạt điểm cao như các môn học khác. Khi hầu hết HS không lựa chọn môn học này, đồng nghĩa với việc nhà trường sẽ không thiết kế môn học này trong tổ hợp môn tự chọn. Vì vậy, anh ấy và các đồng nghiệp sẽ thiếu tiết dạy, buộc phải sang dạy các bộ môn giáo dục hướng nghiệp không hề phù hợp với chuyên môn của mình.

Ở tổ hợp các môn xã hội, GV Địa cũng cùng chịu chung tình cảnh. Bởi phần lớn HS có xu hướng lựa chọn môn Giáo dục kinh tế - pháp luật (trước đây là môn Giáo dục công dân), rất ít HS còn lựa chọn hai môn học nói trên. Các HS cho rằng môn học này thiết thực và gần gũi với cuộc sống hơn so với môn Sử và Địa.

Những câu chuyện nêu trên cho thấy một vấn đề phát sinh đem lại những khó khăn không nhỏ trong thực tiễn quá trình triển khai chương trình GDPT mới nói chung và việc lựa chọn tổ hợp môn nói riêng. Các môn học không được HS lựa chọn sẽ ra sao? 

Khi thiết kế các tổ hợp môn tự chọn, vấn đề nói trên đã được Bộ GD&ĐT đã lường trước phần nào, nên đã có chỉ đạo các Sở GD&ĐT hướng dẫn các trường tổ chức định hướng lựa chọn tổ hợp môn cho HS và thiết kế các tổ hợp phù hợp với yêu cầu thực tế.

Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tế phụ thuộc rất nhiều vào xu hướng và nhu cầu nguyện vọng của HS, bởi Hiệu trưởng một trường THPT tâm sự: “Chúng tôi vẫn định hướng, vẫn tư vấn, tuy nhiên quyền lựa chọn vẫn là PH, HS. Một khi các em đã lựa chọn thì sẽ phải theo suốt 3 năm học, nên các em và các bậc cha mẹ sẽ không “đánh cược” lựa chọn những môn mà xác suất lấy điểm trong kỳ thi có thể sẽ thấp hơn”.

Trong khi đó, không ít nhà trường vẫn lúng túng, bị động trong việc sắp xếp giờ dạy, cân đối nguồn GV. Một số môn học mới trong chương trình GDPT mới lần đầu xuất hiện ở lớp 10 lại đang thiếu GV trầm trọng, bởi trước đây môn này không dạy, các trường cũng không có biên chế.

Tình trạng thừa thiếu GV đang thực sự diễn ra và sẽ ngày càng trầm trọng ở các trường nếu không có những biện pháp giải quyết hiệu quả. Cách chuyển đổi GV bộ môn dư thừa sang dạy các môn học mới đưa vào chương trình như giáo dục địa phương, trải nghiệm hướng nghiệp, chỉ là giải pháp tình thế. Việc dạy trái chuyên ngành sẽ không phát huy được năng lực GV, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học bộ môn mới.

Phương án chương trình GDPT mới cho HS quyền lựa chọn môn học dân chủ, hợp thời, nhạy bén với chương trình phân hóa nghề nghiệp ở bậc học. Tuy nhiên, khi thực hiện nội dung này, phải xây dựng các quy chế, chính sách phù hợp đối với đội ngũ GV, nhân viên và cơ sở vật chất để khi HS lựa chọn, nhà trường đáp ứng được nguyện vọng.

Khi mọi chuyện ở vào thế “sự đã rồi”, để khắc phục, ngành GD-ĐT cần sớm triển khai kế hoạch khảo sát, thống kê đầy đủ thực trạng thừa - thiếu GV ở các trường, để có điều tiết, luân chuyển, tuyển dụng mới phù hợp. Có thể đưa GV ở trường đang dư thừa luân chuyển về các trường thiếu trên địa bàn tỉnh. Các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần có sự chung tay, phối hợp trong công tác điều phối, tuyển dụng mới để việc luân chuyển, tuyển dụng GV được nhanh chóng và kịp thời, không bị ách tắc bởi những vướng mắc trong quy trình tuyển dụng, thủ tục hành chính.

MINH THIÊN

;
.