Đã thành thói quen, từ nhiều năm trở lại đây, gia đình chị Huyền, hàng xóm nơi tôi ở, mỗi khi ra ngoài tất cả thiết bị điện đều phải tắt hết. Các con của chị cũng tuân thủ nghiêm quy định này của mẹ.
Ngay cả vào cao điểm mùa khô, nắng nóng vậy mà chị vẫn không dùng máy lạnh. Nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng theo lý giải của chị Huyền thì ở chung cư gần biển, gió mát, thoáng. Ngoài lợi ích thiết thực nhất là tiết kiệm điện thì đó là cách chị giảm chi chí sinh hoạt nhưng vẫn không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng cuộc sống.
"Tôi tham gia rất nhiều hội thảo về biến đổi khí hậu, đi nhiều nơi thấy tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Và điều mà tôi học được rằng, thay vì mình không làm được những điều lớn lao để góp phần bảo vệ nguồn năng lượng thì mình góp sức bằng những việc nhỏ, thường ngày trong cuộc sống vậy”, chị Huyền lý giải.
Trên thực tế, mỗi hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày như chị Huyền có thể mang lại hiệu quả cao, góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Cách làm trên cũng cho thấy, tiết kiệm điện không có nghĩa là cắt giảm nhu cầu, mà chị Huyền đã biết sử dụng hợp lý. Đây cũng được xem là kết quả tích cực từ sự nỗ lực của cơ quan chức năng, cộng đồng cùng chung tay vì một trái đất thêm xanh trong thời gian qua.
Đặc biệt, sự kiện Giờ Trái đất diễn ra hàng năm đã trở thành phong trào môi trường toàn cầu nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm sự nóng lên của trái đất và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Giờ Trái đất là một sáng kiến do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) khởi xướng năm 2007 nằm nâng cao ý thức của cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên toàn thế giới
Việt Nam tham gia chiến dịch này kể từ năm 2009, đến nay sau 15 năm tổ chức ngày càng thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của người dân, DN. Qua mỗi năm, các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất trở nên phong phú và thiết thực, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng về nhận thức ý nghĩa, lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thông điệp của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024, diễn ra từ từ 20h30 đến 21h30 thứ Bảy ngày 23/3 có chủ đề “Tiết kiệm điện-Thành thói quen”. Đây cũng là thông điệp của chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 thực hiện Chỉ thị 20 về về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông điệp gửi đến cộng đồng không chỉ là tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường chỉ trong một giờ đồng hồ, mà mọi cá nhân, cộng đồng, DN phải thực hành thường xuyên trong suốt 365 ngày của cả một năm. Từ đó hình thành thói quen tiết kiệm điện mọi lúc mọi nơi, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Và bản thân mỗi cá nhân hãy như chị Huyền kể trên, chỉ cần thực hiện bằng những hành động thiết thực, dễ làm như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, trồng thêm nhiều cây xanh… Khi những việc làm này trở thành thói quen hàng ngày trong cuộc sống, đó cũng là cách chúng ta góp phần giảm tiêu hao năng lượng, bảo vệ môi trường, vì một tương lai xanh, bền vững.
LAM GIANG