Khi tiền tài là những con số
Nạn lừa đảo hoành hành và gia tăng chóng mặt ở môi trường công nghệ. Không chỉ với các thủ đoạn thông thường, nhắm vào một điểm yếu nào đó của nạn nhân để tiến hành lừa đảo, đối tượng tội phạm còn sử dụng vô vàn chiêu trò tinh vi mà phần lớn người dân không đủ kỹ năng để phát giác, phòng ngừa.
Nguy hiểm nhất là việc chúng gửi các tin nhắn có chứa mã độc, chứa các đường link lạ. Khi người nhận tin nhắn bấm vào, điện thoại hoặc máy tính sẽ dễ dàng bị kiểm soát, người dùng không hề hay biết. Đến lúc kiểm tra tài khoản, thấy mất tiền mới tá hỏa.
Để phòng trộm cướp, người dân không nên để các tài sản có giá trị trong nhà. Nôm na là tránh dùng quá nhiều tiền mặt. Nên để tiền ở ngân hàng. Nhưng bây giờ, kể cả có cất tiền trong ngân hàng thì cũng không phòng ngừa được kẻ trộm. Dù hệ thống bảo mật trong các giao dịch từ banking đã cải thiện rất nhiều so với trước.
Trộm vào nhà khoắng tiền còn có cơ hội tìm lại được nhờ quá trình điều tra của cảnh sát. Còn tiền mất từ tài khoản, theo các chuyên gia ngân hàng, rất khó có thể thu hồi. Kể cả có bắt được thủ phạm. Bởi tiền đó chỉ là những con số được hiển thị. Khi lừa đảo, những con số đó đã được kẻ xấu chuyển đi ngay qua nhiều tài khoản hoặc được rửa qua một hệ thống phức tạp chỉ bằng những cú nhấp chuột.
Phần lớn các chủ mưu lừa đảo đều ở nước ngoài. Chúng điều hành các đường dây lừa đảo trong nước và khi phá được cũng chỉ xử lý được phần ngọn.
Khách hàng mất tiền trong tài khoản ngân hàng có đòi đền bù được không? Đương nhiên là không. Vì lỗi chính để xảy ra sự cố này thuộc về khách hàng. Khách hàng đã vô tình tiếp tay cho tội phạm vượt qua các lớp bảo mật. Và như đã nói, khi tiền chỉ là những con số, thì hệ thống của ngân hàng cũng xử lý nó trên bình diện những con số. Nếu một lệnh giao dịch thỏa mãn tất cả các điều kiện, giao dịch đó sẽ thành công.
Cho nên, nói đến cùng, cất tiền ở nhà cũng như cất tiền ở ngân hàng. Người dân muốn tránh rủi ro phải bảo vệ. Ở nhà thì trang bị két sắt, khóa cửa kiên cố. Ở ngân hàng thì trang bị cho mình kỹ năng. Những cách đơn giản như dùng điện thoại riêng cho các app banking, hạn chế số lượng chuyển tiền trong mỗi lần giao dịch … đều có thể phòng ngừa tội phạm công nghệ rất hiệu quả.
Đương nhiên các ngân hàng cũng cần nâng cao khả năng trong bảo vệ tài sản người dân. Xét ở một phương diện nào đó, bảo mật của ngân hàng hiện nay cũng chính là bảo tín. Một ngân hàng hạn chế được tối đa các rủi ro cho khách hàng, chắc chắn sẽ tạo được uy tín và giành nhiều lợi thế cạnh tranh.
Một tin vui là từ 1/7/2024, theo quy định mới của NHNN, các giao dịch vượt quá 10 triệu đồng mỗi lần giao dịch và tổng giao dịch vượt quá 20 triệu đồng/ngày sẽ phải sử dụng thêm lớp bảo mật xác thực khuôn mặt. Nghĩa là nếu há miệng, quay trái, quay phải… mà khuôn mặt không trùng khớp với khuôn mặt đã được đăng ký, thì ngân hàng sẽ từ chối giao dịch.
Hiện nay, dạng bảo mật sinh trắc học đã trở nên rất phổ biến. Nhiều ứng dụng với nhu cầu bảo mật không cao như ngân hàng cũng đã sử dụng đến biện pháp này và bảo vệ tài khoản của người dùng rất hiệu quả. Cho nên, dù có những bất tiện phát sinh trong các giao dịch, thì đây cũng sẽ là giải pháp đột phá để bảo vệ tài khoản và tài sản cho người dân.
Nói gì thì nói, quay trái, quay phải vài ba lần dù có rắc rối và mỏi cổ đôi chút, cũng còn tốt hơn nhiều so với việc tiền không cánh mà bay.
HOÀNG NAM