Để chợ quê ẩm thực An Nhứt bền lâu
Sau 20 ngày tạm dừng hoạt động để khắc phục những tồn tại về vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông… chiều 20/3, khu chợ quê ẩm thực An Nhứt (xã An Nhứt, huyện Long Điền) đã chính thức đón khách trở lại tại tuyến đường nội đồng xã An Nhứt.
Đi vào hoạt động trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, chợ quê ẩm thực An Nhứt nhanh chóng thu hút đông đảo thực khách. Tọa lạc giữa không gian thơ mộng trên bờ kênh, xung quanh là cánh đồng lúa xanh mát, phục vụ các món ăn dân dã, đậm chất quê khiến khu chợ nhanh chóng trở thành điểm đến nổi tiếng. Báo chí, người dùng mạng xã hội lan tỏa, chia sẻ thông tin về chợ, giúp tên tuổi nó vượt xa khỏi phạm vi địa phương, được nhiều khách du lịch tìm tới. Đến chợ, bên cạnh thưởng thức ẩm thực, thực khách còn thỏa sức check-in với cánh đồng lúa bạt ngàn, những tuyến kênh nội đồng tuyệt đẹp.
Ban đầu khi mở chợ, có lẽ lãnh đạo địa phương và tiểu thương - những người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị mất việc - chưa thể hình dung lượng khách đông như thế. Vì vậy, khu chợ sớm bị quá tải và bộc lộ những bất cập về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông… Do vậy, chính quyền địa phương đã tạm tạm dừng hoạt động chợ để khắc phục. Sau 20 ngày, chợ đã hoạt động trở lại và điều đáng mừng là vẫn thu hút rất đông thực khách.
Chợ quê ẩm thực An Nhứt là một ý tưởng độc đáo đã được hiện thực hóa. Tính đến nay, nó là khu chợ ẩm thực duy nhất bày bán giữa cánh đồng trên địa bàn tỉnh và là khu chợ độc đáo trên phạm vi cả nước. Chợ hút khách vì mang phong cách mới, hòa mình vào thiên nhiên, đáp ứng đúng tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng, phục vụ những món dân dã, trong đó có nhiều món gắn liền với ký ức tuổi thơ một thời khốn khó của bao người và có giá cả hợp lý. Một số khách đến chợ còn vì để thỏa trí tò mò, có được những tấm hình “sống ảo” độc đáo.
Hiệu quả ban đầu của chợ quê ẩm thực An Nhứt là rất tích cực. Bởi lẽ, nhiều khu chợ, phố ẩm thực được đầu tư tiền tỉ, khang trang, ngay giữa trung tâm đô thị nhưng rất vắng khách, thậm chí là phải dỡ bỏ vì kinh doanh ế ẩm.
Nhưng vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định tương lai khu chợ này sẽ phát triển như thế nào. Đã từng có nhiều “cơn sốt”, trào lưu nổi lên một thời rồi lại trầm lắng liên quan đến những món ăn, thức uống: “trà chanh chém gió”, mì cay, trà tắc hay mới đây nhất là “trà chanh giã tay”. Vì vậy, sau “cơn sốt” do hiệu ứng truyền thông và tâm lý đám đông, chúng ta cần đặt ra vấn đề duy trì sức hấp dẫn lâu dài, ổn định của khu chợ này.
Chợ khai trương vào mùa khô nên chưa thể đánh giá hết những hạn chế trong mùa mưa bão. Do tọa lạc giữa cánh đồng nên vào mùa mưa, dù quầy hàng có mái che, dù, bạt cũng không thể bảo đảm tránh mưa tạt vào món ăn và không ảnh hưởng đến thực khách. Điều đó đòi hỏi chính quyền địa phương và tiểu thương phải tính toán đến phương án che chắn tối ưu, bảo đảm chợ hoạt động quanh năm. Kế đến là món ăn. Thực đơn nếu không được điều chỉnh, bổ sung thường xuyên sẽ khiến khách nhàm chán, đến vài lần rồi thôi. Chợ ẩm thực phải hướng đến lượng khách địa phương ổn định nếu nó mang lại cảm giác thân thuộc như ở nhà, chứ không chỉ là đi cho biết hay lâu lâu mới ghé một lần. Đây là trách nhiệm của mỗi tiểu thương.
Dù vậy, thành công bước đầu của mô hình chợ quê này cũng gợi mở ra hướng đi mới cho loại hình du lịch cộng đồng. Nếu chất lượng dịch vụ được bảo đảm, hoạt động ổn định, chợ ẩm thực An Nhứt có thể được các doanh nghiệp lữ hành đưa vào điểm đến chính thức trong tour về Bà Rịa-Vũng Tàu. Chưa kể, nhiều du khách tự do cũng tìm đến để trải nghiệm. Những yếu tố đó sẽ tác động trở lại, góp phần giúp chợ hoạt động ổn định, lâu bền sau khi “cơn sốt” đi qua.
NGUYỄN ĐỨC