.

Nói không với sản phẩm thiếu thông tin

Cập nhật: 17:25, 21/03/2024 (GMT+7)

Năm 2023 và 2024, hai năm liên tiếp, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) tiếp tục được gắn với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của thông tin minh bạch, chính xác các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng đối với sự an toàn, sức khỏe và tính mạng của NTD.

Trước sự đa dạng của thị trường hàng hóa hiện nay, việc minh bạch thông tin về sản phẩm đối với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp (DN) là rất quan trọng nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giúp DN ngày càng phát triển ổn định. Với vai trò đó, đòi hỏi các DN, các cơ sở sản xuất cần quan tâm và chú trọng minh bạch thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, thành phần nguyên liệu, thông số về an toàn thực phẩm, thời điểm sản xuất, thời hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản, sử dụng sản phẩm.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi thương mại điện tử (TMĐT) đang có xu hướng phát triển mạnh, việc tăng cường minh bạch thông tin hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng càng trở nên cấp thiết hơn. Thực tế cho thấy, khi sử dụng dịch vụ TMĐT, người tiêu dùng mua phải hàng hóa không được như ý, sản phẩm nhận được khác xa quảng cáo… là việc gần như diễn ra thường xuyên, nhất là các giao dịch mua bán hàng hóa qua Facebook cá nhân, hoặc Tiktok... Nguyên nhân xuất phát từ việc không ít cơ sở bán hàng đã lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã đưa ra nhiều quy định chi tiết, trong đó có trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD của DN, cơ sở sản xuất, như: Ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật; Niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại điểm kinh doanh; Cảnh báo khả năng hàng hóa có ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của NTD và các biện pháp phòng ngừa. Các cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền về quyền được cung cấp thông tin của NTD; khuyến khích và thúc đẩy phát triển các trung tâm tư vấn cho NTD; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, nhất là hành vi vi phạm cung cấp thông tin sản phẩm hàng hóa cho NTD.

Thế nhưng, theo ghi nhận của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD tại các địa phương, vấn đề minh bạch thông tin sản phẩm hàng hóa, trong đó có thực phẩm vẫn  còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng quyền được thông tin của NTD bị xâm hại. Kiến nghị được phản ánh nhiều nhất là: Thông tin về chất lượng hàng hóa bị thổi phồng so với sự thật; chất lượng sản phẩm hàng hóa không được kiểm chứng; giá thu thực tế cao hơn giá niêm yết; không có hướng dẫn đầy đủ về cách bảo quản, bảo hành; hình ảnh minh họa, tên gọi của sản phẩm dễ gây nhầm lẫn với các hàng hóa khác…

Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có sự chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành của tỉnh đã và đang có những hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi của NTD. Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thực hiện các đợt kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo vệ quyền lợi NTD, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

Nhằm bảo đảm quyền được cung cấp những thông tin cần thiết về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho NTD theo các quy định của pháp luật, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với các cơ quan chức năng là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, thông tin cho NTD nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khuyến khích người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa vi phạm quyền lợi NTD. Bên cạnh đó, NTD cần kiên quyết “nói không” với những sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, thông tin sản phẩm không minh bạch, xem nhẹ quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người dân.

HOÀNG LÊ

 

.
.
.