Sau gần 2 tuần kể từ ngày Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công bố công khai lãi suất cho vay bình quân… đến nay nhiều ngân hàng đã tích cực thực hiện. Điều này khiến cho người dân, DN vui mừng. Bởi, họ sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng vay vốn.
Mới đây, trên trang web, BIDV đã công bố thông tin về lãi suất cho vay bình quân tháng 3. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân tại BIDV là 6,49%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân là 3,12%/năm. Đây là ngân hàng có số dư cho vay lớn nhất. Báo cáo tài chính của BIDV chứng minh, năm 2023 ngân hàng này cho vay khách hàng 1,74 triệu tỉ đồng, tăng 17% và dẫn đầu hệ thống về cho vay trong năm qua.
Một số ngân khác như TPBank, ACB, LPBank, BacA Bank, VietBank... cũng đã công bố lãi suất cho vay bình quân. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, mỗi ngân hàng công bố một cách khác nhau.
Theo phản ánh của người dân và DN, thời gian qua dù lãi suất huy động giảm ở mức thấp kỷ lục, nhưng lãi suất cho vay với các khoản vay cũ vẫn còn cao. Ghi nhận tại các ngân hàng cho thấy, hiện nay, lãi suất huy động chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/3 so với một năm trước, tức là chỉ khoảng 4-6% (áp dụng cho 36 tháng), trong khi đó, lãi suất cho vay có ngân hàng vẫn lên đến 13-14%, khiến cho người vay kiệt sức, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Điều đáng nói, có những khoản vay, do ngân hàng và người vay thỏa thuận, nên khi cần vốn, người vay phải trả với lãi suất cao. Đó là chưa kể, khi vay người dân, DN phải chịu nhiều loại phí khác như phí thẩm định, phí công chứng, phí giải ngân, phí mua bảo hiểm...
Giám đốc một DN chuyên sản xuất nấm trên địa bàn TP.Bà Rịa phàn nàn, do rủi ro cao hơn nên các DN nhỏ thường phải chịu lãi suất cao hơn khi vay vốn ngân hàng thương mại. Điều này làm tăng chi phí vốn và ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Đây cũng là tình trạng chung mà các DN nhỏ và vừa đang gặp phải. Lãnh đạo Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh chia sẻ, hiện nay, DN nhỏ, siêu nhỏ chịu chi phí, các khoản phí ngân hàng trên các món vay còn cao, dẫn đến chi phí giá thành bị đội lên.
Trước thực trạng trên, mới đây tại hội nghị kết nối Ngân hàng-DN trên địa bàn tỉnh diễn ra vào cuối tuần qua, các DN đề nghị ngành ngân hàng xem xét tiếp tục hạ lãi suất cho vay để kích cầu kinh tế và tăng tính cạnh tranh quốc gia của các DN.
Đồng thời, ổn định lãi suất cho vay hợp lý, tạo điều kiện để DN được vay vốn phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và tính toán khả năng hoàn trả vốn, trả nợ vay đúng hạn trong tương lai. Song song đó, tích cực rà soát, xem xét cắt giảm các loại phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN. Các DN cũng mong muốn, ngoài việc công khai lãi suất cho vay để người vay có cơ sở so sánh và chọn lựa, các ngân hàng cần công khai cả các khoản phí khi vay vốn cũng như phạt trả nợ trước hạn...
Thông tin từ NHNN cho hay, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm nay giảm 1,12% so với cuối năm 2023. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng âm, đó là do thị trường ảm đạm, người dân chưa tìm được hướng đầu tư, kinh doanh khả quan (cả đầu tư mới và mở rộng dự án) nên chưa mạnh dạn đầu tư.
Hơn nữa, một số hộ kinh doanh khó khăn nên đã tạm ngưng, tìm nguồn khác để trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân trên, theo phản ánh của người dân và DN, lãi suất cao và chưa minh bạch các khoản phí cũng là những yếu tố cản trở khả năng hấp thụ tín dụng. Do vậy, việc công khai lãi suất cho vay giúp minh bạch thị trường được kỳ vọng là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng tiếp theo.
HÀ AN