Hướng đi mới cho du lịch nông trại
Thời gian gần đây, loại hình du lịch sinh thái gắn với cộng đồng đang nở rộ với nhiều hình thức đa dạng. Bên cạnh hình thức du lịch sinh thái dựa vào cảnh quan tự nhiên thì hình thức du lịch nông trại cũng đang tạo nên sức hút lớn với du khách. Loại hình này không mới trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ và có xu hướng phát triển tốt trong thời gian tới. Đây cũng là hướng đi mới của ngành du lịch tại các tỉnh/thành trên cả nước, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đặc thù của du lịch nông trại là du khách được đến với khung cảnh đồng ruộng, miệt vườn, được trải nghiệm những hoạt động sản xuất nông nghiệp và thưởng thức các món ăn đồng nội. Điều này giúp họ thư giãn, rèn luyện sức khỏe, giảm áp lực căng thẳng trong cuộc sống và làm việc ở phố thị. Trẻ em được thực hành những bài học thú vị về cuộc sống và hoạt động ở nông thôn. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, loại hình du lịch nông trại cũng đang nở rộ tại nhiều địa phương, tập trung ở huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Long Điền, TP.Bà Rịa.
Dù vậy, loại hình này vẫn chưa được quy hoạch bài bản, phần lớn còn mang tính tự phát. Trên thực tế, đã từng xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân tự ý xây dựng cơ sở lưu trú du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch dạng farmstay (du lịch nông trại) mà chưa được phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ, xây dựng trên đất nông nghiệp. Những mô hình farmstay, khu nghỉ dưỡng tự phát xây dựng trên đất nông nghiệp khiến cho thị trường lưu trú xuất hiện các sản phẩm không đạt chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng du lịch và phá vỡ quy hoạch.
Theo thống kê, cả nước có hơn 500 mô hình du lịch nông trại đang hoạt động. Tuy nhiên, loại hình du lịch này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong khâu quy hoạch, định hướng phát triển, tiêu chí đánh giá chất lượng và năng lực quản lý.
Để phát triển mô hình du lịch nông trại cần quy hoạch định hướng phù hợp với thế mạnh nông nghiệp của từng địa phương. Ngành du lịch cần xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng một cách tổng thể, từ việc đánh giá tài nguyên, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thị trường cũng như công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Một số tỉnh, thành đang thực hiện điều này. Đi đầu trong phát triển du lịch nông trại là TP.Hà Nội với việc xây dựng và quy hoạch phát triển 17 làng nghề gắn với du lịch. Tỉnh Phú Thọ triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 4-6 điểm du lịch nông thôn được công nhận, gắn với lợi thế về nông nghiệp, làng nghề. Tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề. Tỉnh Bình Định xây dựng đề án thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề giai đoạn 2020-2025…
Các chuyên gia du lịch cho rằng, để du lịch nông trại phát huy hiệu quả, cần xây dựng cam kết cơ chế hợp tác chung có trách nhiệm về kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường… giữa địa phương và DN. Chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ DN hoạt động đúng định hướng, phù hợp với quy hoạch chung của địa phương. DN có trách nhiệm đầu tư cơ sở vật chất, khai thác sản phẩm nông nghiệp bản địa phục vụ du khách, tổ chức mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra những sản phẩm xanh, sạch, an toàn bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn…
Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng tạo ra các sản phẩm đặc trưng, nổi bật của từng vùng miền để tạo nên nét độc đáo tại mỗi điểm du lịch, đồng thời quảng bá được hình ảnh địa phương mình đến với du khách.
ANH ĐÀO