Thói quen mới đang hình thành
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn (từ ngày 8 đến 14/2), cả nước xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 214 người và 504 người bị thương (tăng 83 vụ, giảm 69 người chết, tăng 177 người bị thương so với cùng kỳ Tết Quý Mão năm 2023).
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Y tế, số ca cấp cứu nghi liên quan đến TNGT giảm 12,1%, số ca nghi TNGT nằm viện theo dõi giảm 8,4%, số ca tử vong do TNGT giảm 22,4%. Đặc biệt, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước.
Đây là những thông tin rất tích cực trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, cho thấy rõ hơn hiệu quả từ việc lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Theo văn hóa truyền thống của người Việt, những ngày trước, trong và sau Tết, các bữa tiệc tất niên, họp mặt, liên hoan mừng xuân mới thường không thể thiếu rượu, bia. Người Việt có thói quen ép nhau hoặc vì nể nang mà uống vài ly xã giao. Đáng ngại hơn, sau khi uống rượu, bia, thậm chí là say xỉn, nhiều người vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông và để lại những hệ lụy. Nhiều vụ TNGT nghiêm trọng có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia trước đó.
Giờ đây, thói quen đó đã dần thay đổi. Thay vào đó, thói quen mới đang hình thành và ngày càng rõ nét hơn: uống rượu, bia theo khả năng và “đã uống rượu bia, không lái xe”. Người ta cũng không còn ép nhau uống như trước đây, bởi ai cũng hiểu rõ hậu quả của hành vi này là rất nặng nề. Nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt, ngoài khoản tiền đóng phạt từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, người vi phạm còn phải chịu các chế tài bổ sung như tước bằng lái xe lên đến 2 năm, bị gửi thông báo về cơ quan, đơn vị công tác…
Nhiều người hay “nhìn trước, ngó sau”, nhìn vào “kế hoạch”, “chuyên đề” ra quân của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) để an tâm uống rượu, bia rồi vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nay không còn cơ hội. Lực lượng CSGT không ra quân theo chuyên đề, theo khung thời gian nhất định trong ngày, không còn lập chốt cố định tại một số địa điểm mà kiểm tra nồng độ cồn thường xuyên, liên tục, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, kể cả ban ngày, ban đêm và địa điểm cũng thay đổi linh hoạt.
Đặc biệt, những ngày Tết, trong khi mọi người, mọi nhà quây quần họp mặt, liên hoan thì lực lượng công an, CSGT vẫn ra quân làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông và kiểm tra nồng độ cồn. Điều đó càng góp phần làm cho những người cầm lái cân nhắc trước khi nâng ly.
Trước đây, một số luồng ý kiến còn cho rằng bữa tiệc mà không uống bia, rượu sẽ mất vui, nhưng nay đã khác. Người lái xe có thể sử dụng các loại thức uống không cồn để thay thế. Và cuộc vui càng trọn vẹn hơn khi mọi người về nhà an toàn sau bữa tiệc, không có ai bị xử phạt, không có ai bị TNGT do liên quan đến rượu, bia.
Nhớ lại thời gian trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 32 quy định kể từ ngày 15/12/2007, người đi môtô, xe máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội nón bảo hiểm, nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ. Nhưng rồi mọi chuyện dần đi vào nề nếp, phần vì sợ bị xử phạt và quan trọng hơn là người dân đã nhận ra lợi ích thật sự của việc đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông, đó chính là vì sự an toàn của bản thân.
Hiện nay, quy định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn cũng đang dần đi vào nề nếp. Tin rằng, với sự quyết liệt, kiên trì của lực lượng CSGT, chế tài xử phạt nặng, cùng với những lợi ích mà quy định này mang lại, ý thức tuân thủ pháp luật của mọi người dân sẽ ngày càng nâng cao. Số người vi phạm nồng độ cồn và số vụ TNGT liên quan đến vi phạm nồng cồn sẽ ngày càng giảm. Khi ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao và trở thành thói quen mới, người dân sẽ không còn vi phạm ngay cả khi vắng bóng lực lượng CSGT.
NGUYỄN ĐỨC