.

Mức sinh thấp là lực cản phát triển

Cập nhật: 18:27, 16/02/2024 (GMT+7)

Cô bạn tôi dạy học tại một ngôi trường ở Hàn Quốc. Trở về Bà Rịa - Vũng Tàu vào dịp Tết vừa qua, bạn đã chia sẻ về nỗi lo thiếu HS để dạy. Bởi số lượng trẻ ở xứ sở kim chi ngày càng ít đi, có những ngôi trường chỉ có 4-5 HS/lớp. Nguyên nhân là do Hàn Quốc đang có tỷ suất sinh ngày càng thấp và đang là một trong những quốc gia có mức sinh thấp nhất thế giới.

Nếu như vào những năm 60 thế kỷ trước, giảm sinh ở Hàn Quốc đã giúp đất nước này vực dậy nền kinh tế nhanh chóng thì bây giờ, việc người dân ngại sinh con đang là thách thức lớn cho tăng trưởng của đất nước. Theo số liệu thống kê, vào quý III/2023, tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc xuống mức thấp kỷ lục là 0,7 con/mẹ. Trong quý này, có 56.794 trẻ em được sinh ra, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ thống kê vào năm 1981.

Nỗ lực ngăn chặn cơn ác mộng nhân khẩu học, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra các ưu đãi tài chính cho những cặp vợ chồng sinh con và tăng cường trợ cấp hàng tháng cho các bậc cha mẹ. Chính phủ còn thành lập nhóm phụ trách chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh. Kể từ năm 2006, Hàn Quốc đã chi hơn 200 tỷ USD vào các chương trình nhằm tăng tỷ lệ sinh nhưng hầu như không hiệu quả.

Dẫn câu chuyện của Hàn Quốc để “đánh thức” một vấn đề về tỷ suất sinh ở Việt Nam. Cũng giống như Hàn Quốc, những thập niên trước đây, chúng ta phải giảm tỷ suất sinh để thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Cho tới hiện nay, mặc dù tỷ suất sinh ở nước ta còn đang ở mức cao, song một số địa phương đã xuống đến mức báo động. Trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỷ suất sinh của tỉnh năm 2022 là 1,91, thấp hơn so với mức sinh thay thế (2,1), có những thời điểm tỷ suất sinh của tỉnh giảm chỉ còn 1,4.

Thế nhưng, các chính sách khuyến sinh tại các địa phương có tỷ suất sinh thấp hiện vẫn đang “giậm chân tại chỗ”, mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền với khẩu hiệu “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, gia đình hạnh phúc”. 

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dù nhiều năm có tỷ suất sinh thấp nhưng cơ quan quản lý y tế của tỉnh chưa thể tham mưu cho HĐND hay UBND tỉnh chính sách cụ thể để khuyến khích phụ nữ sinh đủ 2 con. Lý do là phải chờ Luật Dân số, dự kiến được Quốc hội thông qua vào năm 2024.

Theo các chuyên gia dân số - kế hoạch hóa gia đình, mức sinh quá thấp và duy trì trong một thời gian dài sẽ dẫn đến ít trẻ em được sinh ra, dân số già hóa nhanh..., sẽ gây suy giảm dân số, thiếu hụt nguồn lực lao động nghiêm trọng làm suy giảm tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Để khuyến khích phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng. Ngoài các chính sách khuyến sinh, còn cần phải có các chính sách về nhà ở xã hội cho công nhân, cải thiện việc làm, chế độ tiền lương, đi kèm đó là các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế... Có như vậy mới có thể nâng mức sống, mức sinh hoạt của người trẻ, nhất là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, các đô thị để họ yên tâm khi quyết định sinh nở.

Điều quan trọng, các chính sách cần phải có chiến lược bền vững, được làm sớm và rốt ráo, tránh để rơi vào tình trạng khó cứu vãn như ở Hàn Quốc. Bởi với một nước đang phát triển, nguồn nhân lực trẻ đang cần rất nhiều, chúng ta sẽ càng khó khăn gấp bội so với Hàn Quốc nếu để mức sinh cứ trượt dài xuống thấp. 

MINH THIÊN

.
.
.