.

Giữ chân và thu hút lao động sau Tết

Cập nhật: 18:12, 21/02/2024 (GMT+7)

Kỳ nghỉ phép về quê Nghệ An dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tình cờ tôi gặp lại Hậu - một đứa em đồng hương cùng sống và làm việc tại TP.Vũng Tàu. Điều ngạc nhiên là thay vì trở vào Nam tiếp tục làm công nhân tại một xí nghiệp may gia công xuất khẩu thì Hậu đang tính toán, sắp xếp để đưa vợ con về quê sau hơn chục năm tha hương. “Hiện ở xã nhà KCN vừa đưa vào hoạt động, nhu cầu lao động nhiều, mức lương cũng tương đương với nơi làm việc cũ của em. Hai vợ chồng đã bàn bạc, thống nhất trở về quê”, Hậu cho hay.

Theo lý giải của Hậu thì về quê có nhiều cái lợi. Đó là có nhà ở, có vườn để trồng rau nuôi gà, con cái thì sẽ học trường công lập với chi phí thấp. Trong khi đó, hiện tại ở Vũng Tàu, gia đình em vẫn đang đi thuê nhà ở, chi phí sinh hoạt cao.

Hậu không phải là trường hợp duy nhất chọn quay trở lại quê hương làm việc. Trong vài năm trở lại đây, nhiều DN đã có chiến lược xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất tại các vùng quê, nơi có điều kiện thuận lợi về nguồn lực đất đai, lao động. Nhiều lao động thay vì gửi con cho ông bà chăm sóc đã trở về quê để lập nghiệp. Đây cũng là lý do khiến cho nhiều DN thiếu hụt lao động sau Tết, nhất là gặp khó trong việc tuyển dụng mới.

Điều đáng mừng là năm nay, thống kê cho thấy sau Tết tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã có hơn 90% lao động trở lại làm việc. Con số này cũng khẳng định, với chính sách đãi ngộ tốt, DN đã khắc phục được tình trạng lao động nghỉ việc sau Tết. Và trường hợp như Hậu kể trên không phổ biến như những năm trước.

Theo dự báo của Trung tâm DVVL tỉnh, năm 2024 này Bà Rịa-Vũng Tàu cần khoảng 12 ngàn vị trí việc làm. Trong đó, nhiều DN mở rộng sản xuất hoặc đi vào hoạt động mới có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động có tay nghề cao, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch dịch vụ, logistics…

Tín hiệu tích cực về sản xuất, xuất khẩu là tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi, đầu năm nay các DN đã có nhiều đơn hàng trở lại đang tăng cường tuyển dụng mới. Thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN lên tới gần 2 ngàn người. Tuy nhiên, việc tuyển dụng không mấy dễ dàng khi nguồn cung thiếu hụt, hoặc không đáp ứng với nhu cầu, vị trí DN cần. Trong khi đó, giai đoạn sau Tết, nhiều DN khu vực miền Bắc, miền Trung cũng thông báo tuyển dụng hàng chục ngàn người, dẫn đến thị trường lao động ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt.

Chính vì vậy, để giữ chân và thu hút lao động, DN phải không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đa dạng hóa các dịch vụ, phúc lợi xã hội, tạo nền tảng cho mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường nắm bắt về tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, chế biến hải sản… để có phương án kết nối cung-cầu lao động. Đồng thời có chiến lược đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của các DN, thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách phù hợp.

NGÔ GIA

.
.
.