.

Chợ truyền thống không thể ngồi đợi khách

Cập nhật: 17:20, 31/01/2024 (GMT+7)

Dù vẫn còn hơn 1 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhưng chị Thu, làm thủ quỹ tại một DN trên địa bàn TP.Bà Rịa cho hay, đến thời điểm này việc sắm Tết cho gia đình, quà biếu nội ngoại đã xong xuôi. Cận Tết là thời điểm công việc bận rộn nhất trong năm, nên tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị lên mạng đặt hàng, từ bánh chưng, giò chả, thịt đến trái cây, hoa chưng Tết. Mọi thứ sẽ được giao tận nhà ngày 29, 30 Tết.

“Những năm trước do kẹt công việc, đến 29, 30 Tết được nghỉ tôi mới chạy đi mua sắm, nhưng không chọn được món đồ ưng ý vì trễ quá. Nay thì khỏe rồi, cần gì cứ lên mạng, chợ Tết online hết sức sôi động, cái gì cũng có”, chị Thu cho hay.

Cách làm của chị Thu cũng được nhiều chị em lựa chọn trong dịp Tết năm nay. Thông tin từ hệ thống Saigon Co.op cho biết, sức mua qua kênh online đã tăng gấp 5-6 lần so với ngày thường, đặc biệt là nhóm hàng gia dụng, quà tặng và thực phẩm khô. Để đáp ứng tốt nhu cầu của khách dịp cao điểm Tết, Saigon Co.op đã tăng mạnh số lượng hàng hóa trên kênh và đa dạng kênh bán hàng như ngoài kênh chính là website, tăng bán trên kênh TikTok, Facebook, Zalo.

Trong khi đó, Lotte Mart cũng đang đẩy mạnh bán hàng Tết qua kênh online, giúp đơn hàng online hiện đạt khoảng 2.000 đơn/ngày, tăng mạnh so với ngày thường và tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đơn hàng bánh kẹo và thực phẩm tươi sống chiếm phần lớn.

Theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce) về thị trường đồ trang trí Tết Giáp Thìn 2024, từ ngày 25/11/2023 đến 24/12/2023, tổng doanh thu trên Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đạt 9,2 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ trước Tết Quý Mão 2023. Điều này cho thấy, người dân ngày càng chuộng xu hướng sắm Tết online hơn.

Sự bùng nổ các kênh mua sắm Tết online, cộng với xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi đang là nguyên nhân khiến cho chợ truyền thống trong những ngày cận Tết trầm lắng. Thông tin phản ánh trên các trang báo những ngày gần đây, dù tiểu thương đã nhập hàng Tết về bán nhưng chợ truyền thống vẫn trong tình trạng ế ẩm, vắng khách tham quan, mua sắm. Điều này hoàn toàn khác với vài ba năm về trước, càng gần Tết chợ càng đông. Thậm chí, tại một số chợ, nhiều ki ốt, sạp buộc phải đóng cửa, ngừng kinh doanh dù Tết đã cận kề.

Trước những khó khăn, thách thức trên, rõ ràng tiểu thương chợ truyền thống buộc phải thay đổi. Bên cạnh sắp xếp lại quầy kệ, niêm yết giá cụ thể, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm thì áp dụng thương mại điện tử để bán hàng trực tuyến và trực tiếp là việc mà các chợ truyền thống cần phải sớm thay đổi.

Và thay vì ngồi đợi khách, tiểu thương phải làm thế nào để mang sản phẩm đến tận nhà cho khách. Đó là mạnh dạn tham gia sàn thương mại điện tử, tăng cường kết nối với khách hàng thông qua Zalo, Facebook, đẩy mạnh kết nối với hệ thống giao hàng cho khách khi có nhu cầu… Trong quá trình này, rất cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng trong việc tập huấn, kết nối cho tiểu thương tiếp cận với kênh bán hàng trực tuyến cũng như việc đầu tư cải tạo cơ sở vật chất để chợ truyền thống ngày càng văn minh, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển.

NGÔ GIA

.
.
.