Tết của yêu thương
Suốt một tuần lễ, con gái tôi tranh thủ sau giờ học bài ở nhà, hí hoáy tô, vẽ trên chiếc túi vải bố màu trắng được may tay, có quai xách. Con làm say sưa, quên cả giờ nghỉ trưa, cuối cùng một túi xinh xắn cũng được hoàn thành. Chiếc túi khá vừa vặn để có thể sử dụng khi đi chơi, dã ngoại, bắt mắt bởi khung cảnh một vườn xuân với những bông hồng màu đỏ thắm, ở giữa khu vườn ấy là một chú vẹt ngực hồng ngộ nghĩnh, dễ thương. Góc trái của túi còn có dòng thư pháp “tôi yêu bạn” được viết nắn nót.
Túi vải được bán đấu giá trong phiên chợ tình thương của trường, khởi điểm chỉ 100 ngàn đồng, nhưng nhanh chóng được chốt đơn lên đến 1 triệu đồng và rồi 1,5 triệu đồng từ phía phụ huynh. Số tiền này cùng với toàn bộ lợi nhuận thu được từ phiên chợ tình thương sẽ được sử dụng để trao quà đến học trò nghèo ở vùng xa nhân dịp Tết Nguyên đán 2024. Trong phiên chợ ấy, không chỉ có những món đồ “hand made” do học trò làm mà còn có những món hàng là đồ ăn vặt, rau, củ, quả... được đem đến từ những gian bếp, góc vườn của phụ huynh, thầy cô giáo để có nhiều tiền hơn giúp trò nghèo, có hoàn cảnh khó khăn một cái Tết đủ đầy, ấm cúng.
Đó là một trong những hoạt động có ý nghĩa, lan tỏa tình yêu thương của trường con gái tôi đang theo học vào dịp Tết đến, Xuân về. Trên địa bàn tỉnh, vào những ngày này, các trường học khác cũng có những hoạt động tương tự nhằm gây quỹ ủng hộ trò nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động ý nghĩa ấy được phụ huynh đánh giá là “nhất cử lưỡng tiện” khi vừa tạo sân chơi lành mạnh, gắn kết giữa các trò với nhau, giữa thầy với trò và cả phụ huynh với nhà trường. Quan trọng hơn, hoạt động đó còn giúp lan tỏa tình yêu thương, “lá lành đùm lá rách” và mang tính giáo dục cao cho các thế hệ. “Góp gió thành bão”, từ những việc nhỏ đó, có thêm hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, quan tâm cho một cái Tết ấm áp...
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, các cấp, các ngành, tổ chức đang nỗ lực bằng nhiều hình thức để chăm lo Tết cho người nghèo khó. Năm 2023 là một năm khó khăn, nhưng không vì thế mà sự chia sẻ với người nghèo, hoàn cảnh khó khăn bị tiết giảm. Thay vào đó, càng có nhiều hơn những tấm lòng nhân ái, những sự lan tỏa để ai cũng có Tết và để không ai bị bỏ lại phía sau. Đơn cử, cuối năm 2023, nhằm gây quỹ chăm lo Tết cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, được sự chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh, Sở VH-TT đã chủ trì phối hợp với Hiệp hội DN nhỏ và vừa, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức Giải Golf an sinh xã hội tỉnh lần thứ II. Giải đã tiếp nhận gần 7,5 tỷ đồng và 5 căn nhà đại đoàn kết từ các DN, tổ chức, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Trung ương, năm 2023, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả nước vận động được trên 600 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng mới khoảng 4.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa khoảng 3.500 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 580 tỷ đồng; tặng 10.500 sổ tiết kiệm với kinh phí hơn 27 tỷ đồng... Góp phần vào kết quả trên, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội của Bà Rịa-Vũng Tàu đã vận động xây dựng được 154 căn nhà đại đoàn kết trị giá hơn 11,9 tỷ đồng; sửa chữa 105 căn nhà đại đoàn kết trị giá gần 3 tỷ đồng; trao 39.292 phần quà trị giá hơn 22 tỷ đồng; hỗ trợ gần 4 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và HS nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh.
Đảng, Nhà nước ta luôn xác định lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển. Ngày 5/1 vừa qua, kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo: “Trong mọi hoàn cảnh phải làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là thời điểm có tác động tới người nghèo, nhóm yếu thế, người dân vùng xa, biên giới, hải đảo”. Trước mắt là tiếp tục rà soát, quan tâm, chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo, những người khó khăn, công nhân, người lao động, bảo đảm người dân có một cái Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trọn vẹn.
TIỂU CƯỜNG