Đừng để di tích 'ngủ yên'
Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Bên cạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, tỉnh còn có hệ thống di tích, danh thắng, công trình tôn giáo, tín ngưỡng khá đa dạng, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu truyền thống, về nguồn và du lịch tâm linh của du khách.
Hiện nay, toàn tỉnh có 219 di tích. Trong đó, 48 di tích đã được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh); 171 di tích chưa xếp hạng. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong số các di tích đã được xếp hạng, 30 di tích đang phát huy giá trị; 12 di tích đang thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo; 6 di tích gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước.
Thực tế cho thấy, một số di tích đã phát huy hiệu quả, thường xuyên đón các đoàn khách tham quan, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Cụ thể, từ năm 2021 đến tháng 6/2023, các di tích (có thu phí tham quan) đã đón hơn 7,12 triệu lượt khách tham quan. Các di tích khác không thu phí tham quan cũng đón hàng triệu lượt khách mỗi năm, góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch để thu hút và giữ chân du khách.
Bên cạnh những điểm tích cực, công tác quản lý, khai thác phát huy giá trị di tích vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế nhiều năm qua chưa được khắc phục. Một số di tích đã được kiểm kê, xếp hạng nhưng bị người dân lấn chiếm, xâm hại, xuống cấp, hư hỏng, không thể phục vụ khách tham quan. Chẳng hạn, di tích Trận địa pháo cổ Cầu Đá bị công trình nhà dân, nhà chùa lấn chiếm. Khẩu pháo bị tường nhà xây đè lên, chỉ xác định được phần đuôi, còn phần đầu thì tìm mãi không thấy. Di tích Parabol trên đỉnh núi Lớn thì nằm trong khuôn viên KDL Hồ Mây nên muốn tham quan, khách phải… mua vé vào KDL này.
Thực trạng đáng buồn là so với tiềm năng và số lượng hiện có, hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh chưa phát huy hiệu quả. Lượng khách tham quan di tích chưa tương xứng với nguồn ngân sách trùng tu (3 năm qua, tổng mức đầu tư để trùng tu, tôn tạo di tích hơn 394,6 tỷ đồng, trong đó từ nguồn xã hội hóa hơn 49,2 tỷ đồng). Ngoài một số di tích thu hút khách tham quan như đã nêu, hầu hết di tích còn “ngủ yên”. Ngành văn hóa và ngành du lịch đã quan tâm, nỗ lực tổ chức các chuyến famtrip, kết nối với các hãng lữ hành trong và ngoài nước nhằm vận động đưa di tích vào tour, tuyến tham quan phục vụ du khách nhưng kết quả còn khiêm tốn.
Lãnh đạo một DN lữ hành lớn tại Bà Rịa-Vũng Tàu từng tâm sự, ông rất tâm đắc và nhiều lần cố gắng đưa di tích vào chương trình tour nội tỉnh. Thế nhưng, du khách không mấy mặn mà vì hầu hết di tích kém hấp dẫn. Trong chương trình tham quan, du khách không chỉ có nhu cầu tìm hiểu, khám phá về di tích mà còn cần các dịch vụ phụ trợ tối thiểu kèm theo như nhà vệ sinh sạch sẽ, nơi nghỉ chân, dịch vụ giải khát, mua hàng lưu niệm với những sản phẩm đặc trưng địa phương. Tuy nhiên, đa số di tích trên địa bàn tỉnh đều thiếu các dịch vụ này nên du khách có đến thì cũng sẽ không trở lại.
Để “đánh thức” di tích, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Ngành văn hóa cần lựa chọn các di tích tiêu biểu, có giá trị về lịch sử, kiến trúc, cảnh quan để đề xuất tu bổ, khai thác phục vụ du lịch; đề xuất Bộ VH-TT-DL kiến nghị Chính phủ sửa đổi cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hóa để có kinh phí tu bổ, khai thác, phát huy giá trị di tích; tiếp tục phối hợp ngành du lịch quảng bá, giới thiệu di tích, giúp di tích đến gần hơn với du khách.
Với những di tích đã xuống cấp, hư hỏng hoặc không còn giá trị sử dụng, ngành văn hóa cần có đánh giá lại, mạnh dạn đề xuất rút khỏi danh mục di tích. Bên cạnh đó, ngành văn hóa cần thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ thuyết minh viên tại các di tích. Ngành giáo dục-đào tạo đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy lịch sử địa phương, tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu di tích. Đoàn thanh niên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di tích, qua đó giúp đoàn viên thanh niên, học sinh hiểu rõ hơn về di tích và lịch sử địa phương.
NGUYỄN ĐỨC