Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số
Nếu như trước đây, công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản (Baseafood) thường tổ chức các cuộc đàm phán đơn hàng, xúc tiến thương mại trực tiếp với đối tác thì hiện nay, việc làm này đã hoàn toàn thay đổi. Đó là công ty đã có thể tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và thế giới. Cùng với đó, việc đàm phán với đối tác nước ngoài cũng thông qua giao dịch thương mại điện tử. Nhờ đó chi phí giảm rõ rệt, hiệu quả xúc tiến thương mại cao hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, một số DN bị giảm đơn hàng thì Baseafood vẫn ký kết được thêm nhiều đơn hàng mới, kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước.
Đây là kết quả của việc áp dụng chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu mà Baseafood đã triển khai thực hiện trong nhiều năm trở lại nay. Thông tin từ lãnh đạo công ty cũng cho thấy, các dữ liệu của Baseafood đã cơ bản cập nhật, lưu trữ qua điện toán đám mây.
Dẫn ví dụ từ Baseafood để thấy, hiệu quả của chuyển đổi số là không phải bàn cãi bởi giúp DN mở rộng kênh bán hàng, tăng tiếp cận thị trường, giảm chi phí sản xuất. Đây cũng được xem là con đường ngắn nhất để DN, nhất là DNNVV tạo ra giá trị mới, bắt kịp và vượt lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt để phát triển bền vững.
Rõ ràng, chuyển đổi số giờ đây không còn là một lựa chọn, mà sẽ trở thành vấn đề sống còn với DN. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 11 ngàn DNNVV, chiếm tỷ lệ 97% tổng số DN. Là lực lượng nòng cốt tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, các DNNVV đã đóng góp cho ngân sách tỉnh tăng theo từng năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID - 19, nhiều DN phải ngừng hoạt động hoặc tái cấu trúc sắp xếp lại chiếm khoảng 30%. Một số DN bị đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn hàng giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nộp ngân sách cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động. Do đó, đội ngũ DNNVV trên địa bàn tỉnh càng phải nhanh chóng bắt nhịp với thời cuộc, đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong quản trị, xúc tiến thương mại, quản lý lao động, khách hàng…
Ngày 8/1 mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 37/QĐ-UBND, ban hành Kế hoạch hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số đến năm 2025. Việc hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh triển khai các nền tảng số hỗ trợ cho DNNVV đẩy nhanh chuyển đổi số. 100% DNNVV đang hoạt động trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, cập nhật thông tin nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. 100% DNNVV được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số. Tỷ lệ DNNVV sử dụng nền tảng số đạt tối thiểu 60%. Tỷ lệ sản phẩm thuộc chương trình OCOP có mặt trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 80%. Ngoài ra, một số chính sách về hỗ trợ vốn, công nghệ cũng sẽ được triển khai thực hiện.
Có thể nói, Kế hoạch trên được xem là “phao cứu sinh” giúp cho DNNVV có điều kiện để thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, đây không phải là phong trào, do đó với nguồn lực hỗ trợ từ các chính sách mà tỉnh đã ban hành, cần tận dụng cơ hội, có chiến lược cụ thể phù hợp thực tế để chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao nhất cho DNNVV.
NGÔ GIA