.

Để phát huy quyền chọn SGK của thầy cô giáo

Cập nhật: 17:55, 12/01/2024 (GMT+7)

Bộ Giáo dục Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 27 quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong các cơ sở giáo dục phổ thông thay thế Thông tư 25. Theo đó, từ năm 2024, quyền chọn SGK sẽ được giao cho các nhà trường, thay vì là hội đồng cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cũng đã quy định rất rõ là "các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Điều đó cho thấy vai trò lựa chọn bộ SGK ở đây đã thuộc về giáo viên và học sinh, là những người trực tiếp sử dụng, chứ không phải bất cứ ai khác. Thầy cô giáo thực hiện được cái quyền của mình, đóng góp ý kiến trực tiếp với hội đồng nhà trường để chọn SGK, được tìm hiểu, so sánh các bộ sách, chọn bộ sách phù hợp, yêu thích, sau đó nghiên cứu để giảng dạy.

Điều này mở ra cho giáo viên thêm không gian sáng tạo, không gò bó, đóng khung trong một bộ sách như trước. Giáo viên có thể nghiên cứu thêm ở các bộ sách khác, chọn cái hay, cái mới, bổ ích để bổ sung kiến thức cho học trò. Bởi dạy học ở phổ thông lấy SGK làm căn bản, nhưng không hạn chế sáng tạo trong cách dạy, mở rộng kiến thức cho người học.

Đối với HS, việc được trao quyền lựa chọn SGK nói trên mở ra thêm cơ hội học tập cho các em qua nhiều bộ sách. Những học sinh yêu thích môn học mà mình theo đuổi ngành nghề sau này, có thể đọc thêm ở các bộ sách khác, nghiên cứu sâu hơn qua nhiều kênh trên sách vở, internet. Có như vậy các em mới có thể thích ứng nhanh với các chương trình đào tạo tiên tiến khi lên đại học.

Trả lại quyền lựa chọn SGK cho các cơ sở giáo dục, cũng là trả sự cạnh tranh sòng phẳng cho các nhà làm sách, để tạo ra những bộ sách phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Nhìn ra thế giới, nhiều nước phát triển đã thực hiện cơ chế huy động trí tuệ xã hội, huy động những chuyên gia giỏi nhất để biên soạn các bộ SGK. Thông qua cạnh tranh lành mạnh có sự quản lý của nhà nước để cho ra đời những bộ sách tốt nhất, giá rẻ nhất có thể, giúp mọi gia đình dù hoàn cảnh kinh tế như thế nào đều dễ dàng tiếp cận, đồng thời tránh bắt học trò mua hàng tá sách tham khảo không phù hợp.

Khi đã nắm vai trò quan trọng trong việc lựa chọn SGK, các thầy cô giáo cần phát huy tối đa “quyền lực” này. Như vậy, GV phải là những người chủ động tìm kiếm thông tin, tích cực tìm hiểu, so sánh để không chỉ có ý kiến về SGK mà còn soạn giáo án, bài giảng phù hợp với bộ sách đã lựa chọn, phù hợp với chương trình chung và sự tiếp thu của học sinh. Các thầy cô cần phải dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu kỹ lưỡng về các bộ SGK, các thông tin học liệu, và tương tác thường xuyên với HS để hiểu được bộ sách nào là phù hợp cho HS của mình.

Rất nhiều công việc mà các thầy cô phải làm khi được trao quyền lựa chọn sách. Để làm tốt những điều này không chỉ là nỗ lực của mỗi GV mà còn cần một lộ trình tập huấn, đào tạo đầy đủ những kiến thức, kỹ năng để các thầy cô có thể lựa chọn bộ SGK một cách hiệu quả nhất. Được như vậy mới có thể đạt mục tiêu của đổi mới chương trình, SGK.

MINH THIÊN

.
.
.