.

Đừng chỉ coi trọng kiến thức…

Cập nhật: 18:50, 05/01/2024 (GMT+7)

Nhiều phụ huynh luôn than vãn về áp lực học hành cho con, nhưng chính bản thân họ đang mâu thuẫn trong cách giáo dục con. Em gái tôi có con đang học lớp 6. Sau giờ học tôi hiếm khi thấy cháu học bài hay phụ giúp mẹ việc nhà mà phần lớn thời gian chăm chăm vào điện thoại, Ipad để chơi game hoặc lướt web. Nhiều lần, tôi đã cảnh báo nguy hại của việc để trẻ tùy ý sử dụng thiết bị công nghệ nhưng em gái tôi vẫn phớt lờ. Em gái tôi cho rằng cho con tiếp cận công nghệ là đang giáo dục theo chiều hướng hiện đại, không cần thúc ép con học bài. Cho đến một ngày, điểm kiểm tra không đạt như mong muốn, nhiều phụ huynh và cả em gái tôi bắt đầu mắng nhiếc cháu và lập ra kế hoạch cho cháu đi học thêm các môn. Lịch học dày đặc khiến cháu mệt mỏi, căng thẳng, nhưng cứ hễ về tới nhà là con sà vào điện thoại, Ipad. Ba mẹ nhắc nhở thì cháu lại tỏ thái độ khó chịu, gắt gỏng.

Mặt khác, nhiều bậc cha mẹ luôn nói không muốn tạo áp lực, để con thỏa mái học hành theo năng lực, sở thích, nhưng chính họ lại đang bị cuốn vào “cuộc đua” cho con vào “lớp chọn”, “trường điểm”. Ngay khi bước sang học kỳ II, phụ huynh đã lo “chạy đôn, chạy đáo” để chọn trường, chọn lớp đầu cấp cho con. Dù biết rằng vào “lớp chọn”, “trường điểm”, áp lực học tập sẽ cao hơn rất nhiều nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho trẻ “đua” vào vì cho rằng đó là lựa chọn tốt nhất cho con. Chẳng hạn, để con vào được lớp 6 nguồn THCS Nguyễn An Ninh thì từ năm lớp 3, nhiều phụ huynh ở TP.Vũng Tàu đã vạch cho con kế hoạch ôn luyện để đạt mục tiêu. Bản thân trẻ dưới sự thúc ép và dẫn dắt của ba mẹ cũng sẽ cố tham gia vào “cuộc đua” để được công nhận, dù rằng mục tiêu ấy vượt quá khả năng của các em.

Trong một cuộc khảo sát về mong muốn phụ huynh đối với môi trường học tập của con ở cấp THCS, phần lớn ý kiến quan tâm đến chương trình học, việc thi cử như: Con có thi đậu vào lớp 10 công lập hay không? Con có thi được vào trường chuyên, lớp chọn không? Ít ý kiến quan tâm đến việc môi trường đó có gì làm con thích và tự giác học hay không? Những hoạt động gì giúp con phát triển năng lực tư duy và tự học hỏi…

Tâm lý chỉ coi trọng kiến thức của phụ huynh, sẽ vô tình làm hạn chế khả năng được phát triển tư duy, sở trường của trẻ trong học tập. Không thể đòi hỏi tất cả trẻ đều phải giỏi văn, toán, tiếng Anh, hay đều biết vẽ. Mà cần nhìn nhận đâu là sở trường của con để bồi dưỡng, phát triển cho con. Trẻ có thể không giỏi môn văn hóa, nhưng lại có xu hướng vận động tốt. Hay trẻ không chịu tuân thủ quy tắc, nhưng trong một vài hoạt động lại bộc lộ tư duy và khả năng sáng tạo tuyệt vời…

Để trẻ có thể bộc lộ và hình thành các năng lực của bản thân, các em cần được cung cấp các phương tiện, được hướng dẫn các phương pháp học hỏi, trải nghiệm, thực hành, và cuối cùng là ứng dụng những điều đã học vào thực tế. Khi các em thấy được ý nghĩa của từng trải nghiệm và cả những khó khăn cũng như mâu thuẫn trong từng bài học, trẻ sẽ hình thành được năng lực thực chất nhất. Khi tự mình học và hiểu, các con sẽ có động lực mạnh mẽ và tự giác, hướng tới đạt được mục tiêu mà không cần ép buộc của nhà trường, cha mẹ.

Môi trường học tập tốt mà phụ huynh cần lựa chọn là nơi làm được những điều đó, chớ không phải là “trường điểm, lớp chọn”. Những môn học, dự án, hoạt động đem lại cho trẻ niềm vui và khao khát hiểu biết có ý nghĩa hơn một chương trình học với lượng kiến thức đồ sộ. Chương trình GDPT mới bắt đầu áp dụng từ năm học 2023- 2024 cũng đang đi theo định hướng phát triển năng lực thay vì chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng như chương trình cũ với các kỳ thi kiểm tra kiến thức được khoanh vùng, “luyện tủ”. Quan trọng là nhận thức của phụ huynh, không quá trễ để chúng ta thay đổi ngay từ bây giờ.

NGUYỄN THI

.
.
.