Dòng tiền cho thấy thách thức của nền kinh tế
Thông thường, cứ vào dịp cuối năm, nhu cầu vay vốn hoặc rút tiền ra để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng tăng cao. Lãi suất ngân hàng theo đó sẽ giữ nguyên hoặc tăng để thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân. Thế nhưng năm nay, theo phản ánh của các ngân hàng, tiền gửi tiết kiệm đang “ứ đọng”, lãi suất mặc dù thấp nhưng không mấy ai rút, thậm chí vẫn đua nhau đi gửi tiết kiệm.
Tại một ngân hàng trên đường Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2024, chỉ trong vòng 20 phút có khoảng 15 người đến giao dịch, trong đó phần lớn là đến gửi tiết kiệm. Đang ngồi chờ làm thủ tục sổ tiết kiệm, một khách hàng ở đường Lê Lợi, TP.Vũng Tàu chia sẻ, như mọi năm có khoản tiền gì tôi thường cân nhắc ra Tết mới tính làm gì, nhưng nay kinh tế khó khăn, nhiều kênh đầu tư rủi ro, thôi thì cứ gửi tiết kiệm cho an toàn.
Ghi nhận trên thị trường ngân hàng cho thấy, chưa bao giờ lãi suất ngân hàng lại xuống mức đáy như hiện nay. Trong tháng cuối của năm 2023, có đến 22 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Riêng trong những ngày đầu của năm 2024, đã có thêm 3 ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất là Techcombank, BaoVietBank và GPBank. Theo dự báo, lần này đà giảm chưa có điểm dừng, khả năng cao lãi suất tiền gửi các ngân hàng vẫn giảm nhẹ trong thời gian tới.
Hiện tại, mức lãi suất huy động ở mức 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3%-4,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 4,2%-5,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 5,5-6%/năm. Trong khi đó, cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm từng neo tới 11-12%/ năm. Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng vẫn phải chạy đua huy động vốn. Và dù, lãi suất đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng người dân vẫn chọn gửi tiền. Có người cho rằng, chọn gửi tiết kiệm nhưng không hẳn để sinh lời.
Thống kê của NHNN cho biết, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 vẫn đạt hơn 18 triệu tỷ đồng, tăng hơn 10,8% so với đầu năm, mức tăng này gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, thông tin từ NHNN-chi nhánh tỉnh cho biết, tính đến cuối tháng 12/2023, tổng nguồn huy động từ nền kinh tế trên địa bàn đạt 179.800 tỷ đồng, tăng 5,94% so với cuối năm 2022 và tăng 2,35% so với tháng trước. Trong khi đó, đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế tính cuối tháng 12/2023 đạt 168.300 tỷ đồng.
Như vậy, rõ ràng nguồn tiết gửi tiết kiệm đang “ứ đọng” trong ngân hàng còn rất lớn. Theo các chuyên gia kinh tế, lượng tiền gửi ngân hàng tăng cao, phần nào cho thấy dòng tiền vẫn còn thận trọng trong việc dịch chuyển sang các kênh khác như bất động sản hay chứng khoán...
Trong thời gian vừa qua, với sự nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan quản lý, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay vẫn duy trì được xu hướng hướng quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 ước đạt 5-5,5%. Con số này mặc dù cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, nhưng Việt Nam đã không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%.
Dự kiến trong năm 2024, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn khi năng lực hấp thụ vốn của các DN vẫn ở mức thấp; nợ xấu có xu hướng gia tăng, thị trường trái phiếu DN trầm lắng… Trên thế giới, xung đột địa chính trị thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường cũng như môi trường kinh doanh còn nhiều bất ổn. Do đó, dù lãi suất tiền gửi thấp nhưng người dân vẫn hướng dòng tiền vào kênh tiết kiệm nhằm bảo đảm an toàn cho nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh rõ ràng hơn.
HÀ AN