Ô nhiễm rác thải nhựa tăng mạnh

Thứ Năm, 21/09/2023, 19:00 [GMT+7]
In bài này
.

Ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) đang gia tăng rất mạnh, trở thành một trong những thách thức nguy hại hàng đầu đối với môi trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Những dự báo gần đây cho thấy, đến năm 2050, đại dương sẽ tồn lưu số lượng rất lớn RTN, lên tới hàng trăm triệu tấn, có thể dẫn tới tình trạng RTN nhiều hơn cả cá trong các lưu vực đánh bắt hải sản.

Hạn chế ô nhiễm môi trường do RTN gây ra đang trở thành vấn đề cấp bách trong phạm vi mỗi quốc gia, khu vực và trên thế giới. Bởi mỗi năm, lượng RTN do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, với hơn 300 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 8-10 triệu tấn RTN bị thải ra biển.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ TN-MT, chỉ số tiêu thụ đồ nhựa trên đầu người trong 20 năm qua đã tăng hơn 10 lần, từ 3,8kg/người/năm vào đầu thập niên 1990, đến nay đã lên mức 54kg/người/năm. Số liệu dẫn chứng sau đây minh họa thêm về mức độ tiêu thụ gia tăng chóng mặt các sản phẩm làm từ nhựa: Dân số nước ta đứng ở hàng thứ 15 thế giới, nhưng lại đứng thứ 4 trong số các quốc gia có lượng RTN xả ra biển nhiều nhất thế giới.

Một chiếc túi nilon sử dụng của người dân chỉ cần 5 giây để sản xuất, 1 giây để vứt bỏ, nhưng cần hàng trăm năm để phân hủy. Bình quân mỗi người dân đi chợ, đi siêu thị, hay mua sắm đồ dùng… đều xách về 3-5 túi nilon. Ước tính, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.

Việc lạm dụng sử dụng các sản phẩm nhựa trong đời sống hàng ngày, nhất là túi nilon khó phân hủy, các loại vật dụng bằng nhựa dùng 1 lần… đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Theo số liệu tổng hợp mới đây, chỉ có 27% trong số hàng triệu tấn RTN thải ra từ sinh hoạt được thu gom, xử lý và tái chế. Như vậy, một lượng rất lớn RTN bị xả ra môi trường và bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch… rồi trôi ra biển.

Báo cáo “Phân tích về ô nhiễm RTN tại Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện và công bố, cho thấy: Chất thải nhựa là loại phổ biến nhất thu gom được trong các khảo sát thực địa (chiếm khoảng 94% về số lượng và khoảng 71% về trọng lượng). Trong đó, rác bao bì thực phẩm mang đi là loại chất thải nhựa phổ biến nhất (chiếm 44% về số lượng), tiếp theo là chất thải liên quan đến nghề cá (33% về số lượng) và rác thải hộ gia đình (22% về số lượng). Phép đo Chỉ số bờ biển sạch (CCI) - một công cụ để đánh giá mức độ sạch tương đối của bờ biển cho thấy: 71% số địa điểm ven biển được khảo sát là cực kỳ ô nhiễm (CCI lớn hơn 20).

Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030, Việt Nam cam kết cắt giảm RTN đại dương là 50% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Một thời gian là sáng kiến sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường cho người nội trợ, như: Giỏ đi chợ thay cho túi nilon, ống hút từ cây lau, sậy thay cho ống hút nhựa dùng 1 lần, lá chuối gói hàng tại các siêu thị và chợ truyền thống. Đến nay thì… những sáng kiến đó mai một dần và có vẻ bị lãng quên.

Làm gì để thực hiện được mục tiêu quản lý RTN? Câu trả lời nằm ở ý thức của mỗi người dân và hiệu quả lộ trình mà các cấp chính quyền đã hoạch định.

Môi trường sống luôn xanh, sạch, đẹp. RTN được giảm thiểu về ngưỡng tối đa sẽ thực hiện được nếu có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và Ý THỨC thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần của mỗi người dân.

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế RTN hiện nay là tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa 1 lần rồi vứt bỏ, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí tiền bạc. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, ưu tiên sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà máy tái chế rác thải nhựa, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn; đặc biệt là xử lý RTN để tái tạo nguyên liệu mới.

HOÀNG LÊ

;
.