Giữa trưa hè, tôi nhận được cuộc gọi từ cô em họ nhờ tư vấn chọn nghề, hướng nghiệp cho cậu con trai vừa trúng tuyển vào lớp 10 một trường công lập. Còn hơn 1 tháng nữa, kỳ nghỉ hè mới kết thúc. Tuy nhiên, các cô cậu học trò vừa trúng tuyển vào lớp 10 đã phải lựa chọn tổ hợp môn để đăng ký, được xếp lớp theo tổ hợp môn và đó cũng là định hướng cho nhóm ngành nghề dự kiến sẽ theo đuổi trong tương lai.
Cháu trai của tôi có nguyện vọng được làm điều dưỡng, trong khi ba mẹ lại định hướng cho con làm kỹ sư tự động hóa. Cha cậu bé lý giải, ngành y và nhất là điều dưỡng không còn "hot" như trước khi đại dịch COVID-19. Chưa kể, ngành này rất vất vả, môi trường làm việc hạn chế, nhiều yếu tố nguy cơ cao, khó phát triển và thăng tiến hơn vị trí của một kỹ sư tự động hóa.
Cậu học trò thì cho rằng, điều dưỡng chính nghề truyền thống của gia đình. Ba mẹ cũng đang làm việc tại bệnh viện và vì vậy, sẽ càng thuận lợi cho cậu phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Chưa kể, cậu bé rất thích làm nghề y, trong khi nếu là bác sĩ thì cậu không quá xuất sắc để cạnh tranh.
Cuộc tranh luận của gia đình dường như không có hồi kết, dù mới chỉ là chọn tổ hợp môn để cậu bé bước vào bậc THPT, trong khi việc thi đại học, chọn ngành nghề gì vẫn còn 3 năm nữa mới diễn ra.
Nỗi niềm trên cũng là trăn trở của nhiều phụ huynh và HS, khi chương trình giáo dục phổ thông mới đã thực hiện ở lớp 10 bậc THPT và HS sẽ phải chọn các tổ hợp môn để học suốt 3 năm học ở bậc học này. Đây là việc rất quan trọng vì gần như HS đã chọn tổ hợp nào từ lớp 10 thì bắt buộc phải theo học tổ hợp đó suốt cả bậc THPT và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Sự thay đổi giữa chừng về sau sẽ gây khó khăn cho các em trong quá trình học tập và thi cử. Vì vậy, việc tư vấn hướng nghiệp sớm cho con trẻ ngay ở lớp đầu cấp THPT cũng là việc cần thiết đối với các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cũng như các cấp chính quyền, cơ quan chức năng.
Cùng với thế giới, môi trường việc làm ở nước ta đã có nhiều thay đổi, nhất là với sự bùng nổ của CNTT của thời đại 4.0 và hội nhập toàn cầu. Xu hướng nghề nghiệp cũng đã có những thay đổi chóng mặt, đặc biệt sau vài ba năm trở lại đây. Những ngành nghề "mới tinh" đã xuất hiện và một số ngành nghề từng được coi trọng, "hot" đã dần "biến mất" khi những công việc đó được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo hoặc xu hướng lựa chọn khác của người tiêu dùng.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh đã trở nên lạc hậu so với lớp trẻ, đặc biệt là trong nhìn nhận về xu hướng việc làm, sở thích nghề nghiệp. Vì vậy, phụ huynh cần loại bỏ suy nghĩ "chọn giùm nghề cho con" và "con là người viết tiếp ước mơ chưa thực hiện được của ba mẹ", từ đó có sự thay đổi, không nên áp đặt và lựa chọn nghề an toàn, truyền thống như trước đây. Phụ huynh vẫn nên đồng hành cùng con, nhưng không nên tư duy rằng việc định hướng tương lai cho con là trách nhiệm của riêng gia đình. Cha mẹ cần phối hợp với nhà trường, lắng nghe tư vấn từ các chuyên gia trong lĩnh vực hướng nghiệp để đúc rút thông tin cần thiết và định hướng cho con em mình một cách phù hợp.
Đã từng có nhiều trường hợp con cái buộc phải "chiều lòng" cha mẹ mà chọn ngành nghề để "học đại". Sau đó, có em phải bỏ giữa chừng do không thể tiếp tục theo học, có em dù tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành nhưng không gắn bó lâu dài mà rẽ ngang, làm trái ngành đã học. Vấn đề quan trọng của phụ huynh là làm sao định hướng nghề nghiệp và tương lai cho con một cách hiệu quả.
Và ngay từ "ngã rẽ cuộc đời" đầu tiên này, phụ huynh thay vì áp đặt, chọn nghề giùm con, hãy khuyến khích con rèn các kỹ năng quan trọng, gần như không thay đổi như: kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, kỹ năng công nghệ, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự học... Bởi, công việc có thể thay đổi nhưng các kỹ năng nền tảng sẽ hỗ trợ đắc lực người trẻ trong nhiều môi trường khác nhau.
TIỂU CƯỜNG