Tuần trước, vào bệnh viện thăm người thân của gia đình đang điều trị ở đây, tôi khá ngạc nhiên vì phòng bệnh rất rôm rả. Đa số là các cụ già, vừa lướt mạng Youtube, TikTok, Facebook vừa bình phẩm đủ các chủ đề, từ chính trị đến văn hóa, nghệ thuật. Điều đáng nói là hầu hết thông tin đều không đúng sự thật, phản văn hóa, tràn lan đầy rẫy trên các trang mạng xã hội.
Tình trạng trên cũng diễn ra ngay cả với cha mẹ của tôi. 2 cụ già với 2 điện thoại thông minh, cả ngày lướt web. Nhiều hôm về nhà, tôi đã tá hỏa khi thấy mẹ xem các trang TikTok truyền bá mê tín dị đoan. Tìm hiểu mới biết, do các cụ không rành công nghệ, thấy hình ảnh, phim hiện lên trên điện thoại lỡ bấm vô xem, sau đó tất cả các trang có nội dung thông tin tương tự được đề xuất. Hậu quả là 2 ông bà đã bị một trang mạng mê tín dị đoan lừa mua “lá bồ đề” hộ mệnh với giá 299 ngàn đồng!
Không chỉ người già, thời gian qua nhiều phụ huynh cũng hết sức lo lắng khi con em mình xem và làm theo các clip có nội dung phản cảm trên mạng xã hội. Nhất là các clip trên TikTok, thậm chí nhiều em còn “nghiện” đến mức, ngoài giờ học là dán mắt lướt TikTok, dẫn đến những suy nghĩ, hành vi lệch lạc, đôi khi dẫn đến kết cuộc đau lòng.
Ra mắt tại Việt Nam từ năm 2019, đến nay Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới, với khoảng 49,9 triệu người dùng. Tỷ lệ người dùng đang sử dụng ứng dụng TikTok đã tăng từ 34% (năm 2020) lên 62% (năm 2022), với thời lượng sử dụng đã tăng gấp đôi. Điều đáng báo động là ngày càng xuất hiện nhiều nội dung xấu độc như phim ngắn phản văn hóa, dung tục, các thông tin sai sự thật, truyền bá mê tín dị đoan, nhiều nội dung cổ xúy hành vi phạm tội. Những thông tin giả, tin xấu độc giống như loại “virus” có tốc độ lây lan rất nhanh và ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội, đặc biệt là tâm sinh lý giới trẻ. Không chỉ tại Việt Nam mà tại các quốc gia khác, TikTok cũng không ít lần bị chỉ trích liên quan đến nội dung bẩn và độc hại, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng người dùng của nền tảng này.
Trước tình trạng này, Bộ TT&TT cho biết sẽ có cuộc thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam vào tháng 5 tới đây. Ngoài việc xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng nhiều giải pháp mạnh tay, triệt để hơn. Thông tin từ Bộ TT&TT cũng cho thấy, TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, và pháp luật đó không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo… để tổng hợp đồng bộ các giải pháp thì họ mới tuân thủ quy định tốt của Việt Nam.
Ngoài việc thanh tra và mạnh tay xử lý nội dung xấu, độc hại thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người sử dụng mạng xã hội cũng rất cần sự chung tay của các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình để cùng xây dựng không gian mạng lành mạnh, an toàn.
NGÔ GIA