“Bao lâu rồi bạn không đọc sách?” - tôi đem câu hỏi này làm một cuộc khảo sát “bỏ túi” và thường nhận được câu trả lời: “không nhớ nữa”; “rất lâu rồi”; “ngại đọc lắm”… Tất nhiên trong số đó cũng có một vài người “có đọc”, nhưng 1 năm chỉ 2-3 cuốn.
Trong khi đó, thống kê từ Cục Xuất Bản cho thấy, cho dù số sách xuất bản hàng năm đều tăng cao nhưng số đầu sách người Việt đọc trung bình hàng năm chỉ xấp xỉ 1 cuốn.Doanh thu bán sách của Việt Nam chỉ khoảng 50.000 đồng/người/năm. Một thống kê khác của Vụ Thư viện cũng cho thấy, tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc là 44% và chỉ có 30% người Việt Nam đọc thường xuyên.
Điều dễ nhận thấy nhất là những năm gần đây, tại TP. Vũng Tàu, một số nhà sách lớn dần rút lui khỏi thị trường do thu không đủ chi. Để tồn tại, nhiều nhà sách đã chuyển sang kinh doanh tổng hợp, nghĩa là kệ sách đã được thu hẹp lại để dành cho việc trưng bày thêm quần áo, giày dép, đồ gia dụng… Còn tại Đường sách Vũng Tàu, đến nay chỉ còn một vài gian hàng sách vẫn hoạt động, vừa kinh doanh sách vừa bán cà phê. Số lượng người vào mua sách, đọc sách cũng không còn nhiều như thời điểm mới khai trương cách đây mấy năm.
Tất nhiên, những ví dụ trên chưa hẳn chứng minh cho việc sách không còn hấp dẫn đối với mỗi người. Có lẽ, giữa rất nhiều phương tiện giải trí hiện nay, lựa chọn đọc sách đôi khi ít được ưu tiên hơn.
Rất mừng khi ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam. Đã có nhiều hoạt động được triển khai nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, phát triển tư duy và rèn luyện nhân cách con người. Nhiều chương trình, hoạt động cổ vũ, xây dựng thói quen đọc, tiến tới hình thành văn hóa đọc trong xã hội được tổ chức. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Ngày hội đọc sách được triển khai rộng rãi trong các trường học, thư viện, công ty…
Tuy nhiên, đọc sách hay xây dựng văn hóa đọc không chỉ là phong trào mà là một thói quen cần được nuôi dưỡng, rèn luyện mỗi ngày. Bởi đọc sách giúp tích lũy tri thức, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và hướng con người đến những giá trị đẹp đẽ chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Những sáng kiến để thu hút người trẻ yêu sách hơn cũng cần thường xuyên được tổ chức. Trong hành trình này, rất cần đến sự chung tay của người viết sách, ngành xuất bản, các đơn vị phát hành sách, và đặc biệt là ngay chính ở mỗi gia đình.
Muốn nâng cao việc đọc, rõ ràng sách cần được đưa vào từng ngóc ngách cuộc sống. Trong đó, có vai trò quan trọng của mỗi gia đình khi rèn luyện, nuôi dưỡng cho trẻ thói quen đọc sách ngay trong những năm tháng đầu đời. Mỗi gia đình có một tủ sách, cha mẹ yêu thích đọc sách mỗi ngày chắc chắn sẽ hình thành cho con cái thói quen đó, sẽ khơi lên niềm đam mê đọc sách trong trẻ.
NGÔ GIA