"Chiếc áo" nào cho chợ truyền thống?

Chủ Nhật, 09/04/2023, 18:07 [GMT+7]
In bài này
.

“Chị để em nhặt luôn bó rau muống này cho, mua đồ xong quay lại lấy nhé” - Nhung, chuyên bán hàng rau ở chợ Chí Linh nói và tay thoăn thoắt vào việc luôn. Mua cá xong quay lại thì rau muống được nhặt sạch sẽ, bó chè xanh cũng được cắt gọn bỏ vào túi, hành ngò không còn cọng rễ… Bữa trưa của gia đình tôi trở nên nhanh chóng hơn nhờ sự linh hoạt và tận tâm của cô bán hàng tôi quen hơn chục năm nay.

Điều này cũng có nghĩa, hơn chục năm qua gia đình tôi đã gắn bó với ngôi chợ truyền thống này, chứng kiến sự thay đổi của chợ qua mỗi giai đoạn. Sự thay đổi của Nhung trong cung cách phục vụ không chỉ dành cho cá nhân tôi mà đối với tất cả khách hàng. Vài năm trở lại đây, ngoài việc giúp khách hàng nhặt rau, những người bán hàng như Nhung còn chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, ship hàng tận nơi. Đó là việc làm tất yếu khi nhu cầu tiêu dùng thay đổi, chưa kể chợ truyền thống còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các cửa hàng tiện lợi, siêu thị bán lẻ và thậm chí, cả với những gian hàng thực phẩm “trên mạng”.

Nhưng Nhung cũng khó mà cạnh tranh được dù rất tận tâm và linh hoạt. Những buổi chiều Nhung rời chợ truyền thống, mang sạp rau ra vỉa hè dù liên tục “chạy trốn” đội trật tự đô thị vì vi phạm việc lấn chiếm lòng lề đường. “Ế ẩm quá chị ạ, ngồi cả sáng sạp rau vẫn ê hề”, Nhung than.

Nhung không phải là trường hợp ngoại lệ. Không khó bắt gặp khung cảnh đìu hiu, vắng khách ngay cả những chợ đầu mối lớn của tỉnh như chợ Mới Vũng Tàu hay chợ Bà Rịa. Những ngôi chợ này cách đây chục năm, là những chợ sầm uất, nhộn nhịp kẻ bán, người mua, tấp nập nhất trong tỉnh. Thông tin trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu số ra gần đây cũng cho biết, sức mua tại các chợ này đã giảm 70-80%. Nhiều sạp kinh doanh hàng vải, quần áo, giày dép đã phải đóng cửa, treo bảng cho thuê lại.

Trên thực tế, trong quá trình phát triển, chợ truyền thống vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa riêng, có đóng góp không nhỏ vào kinh tế xã hội. Tuy nhiên, câu chuyện chợ truyền thống vắng khách, ế ẩm cho thấy các chợ muốn tồn tại thì phải thay đổi cách thức vận hành và tiếp cận thị trường. Cách bán hàng kiểu cũ như ra sạp mở quầy và chờ khách đến, hay văn hóa nói thách, trả giá hiện nay đã không còn phù hợp với thói quen, tâm lý và hành vi của người tiêu dùng. Đã đến lúc các chợ cần phải được “thay áo mới”. Đó là tổ chức, quy hoạch gian hàng gọn gàng, tươm tất, sạch sẽ hơn, mớ rau, con cá cũng phải có xuất xứ nguồn gốc; giá cả niêm yết rõ ràng hơn… Tiểu thương giờ đây cũng phải biết đưa sạp hàng lên mạng, quảng bá online và cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà.

Trong quá trình “thay áo mới” này, chắc chắn một mình tiểu thương không thể làm được mà cần có vai trò của ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, thậm chí cả người tiêu dùng cùng chung tay xây dựng chợ thành nơi mua sắm phù hợp với thói quen mới, văn minh, hiện đại.

LAM GIANG

;
.