Thông tin những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng phục vụ đời sống sẽ được giãn nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, có hiệu lực từ ngày 24/4/2023 đã khiến cho nhiều DN như bắt được “phao cứu sinh”.
Theo đó, những khoản vay đến hạn phải trả nợ mà khách hàng khó khăn chưa thanh toán được cho ngân hàng thì sẽ được kéo dài thời gian trả nợ tối đa là 1 năm. Việc được lùi hạn trả nợ tối đa 12 tháng trong bối cảnh khó khăn hiện nay được xem là “bình ô-xy” tiếp sức cho DN, giảm bớt nỗi lo bị nhảy sang nhóm nợ xấu, có thể tiếp cận nguồn vốn vay mới để duy trì hoạt động kinh doanh.
Ngoài việc cho phép các ngân hàng giãn, hoãn nợ cho các đối tượng vay vốn thì quy định mới của NHNN còn yêu cầu các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho khoản nợ đã giãn, hoãn cho khách hàng. NHNN cũng kỳ vọng chính sách này góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới.
Ngoài việc giãn nợ, từ đầu năm đến nay Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng tiếp sức cho DN trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các DN phát triển. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Đồng thời, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho DN là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, khơi thông các điểm nghẽn với phương châm “sớm nhất, hiệu quả nhất”, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, năm 2023, tổng giá trị các cơ chế chính sách hỗ trợ người dân và DN lên tới 198,4 ngàn tỷ đồng; trong đó có nhiều chính sách quan trọng và cấp thiết như giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất...
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN cho biết họ đang gặp khó khăn hơn cả giai đoạn dịch COVID-19 khi thị trường thu hẹp, đơn hàng giảm, tồn kho nhiều, lãi suất cao. Lần đầu tiên trong lịch sử thống kê tình hình đăng ký kinh doanh, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh ghi nhận số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường lại thấp hơn số DN rút lui khỏi thị trường (56.946 DN gia nhập thị trường nhưng có đến 60.241 DN rút lui khỏi thị trường) trong 3 tháng đầu năm.
Điều này cho thấy DN đã không thể trụ vững trước những khó khăn của nền kinh tế. Một số DN phải cầm cự hoạt động trong bối cảnh lực cầu giảm, đặc biệt là nhóm bất động sản, dệt may, da giày, gỗ, thép... Do đó, DN không chỉ cần vốn ngắn hạn đề duy trì hoạt động mà còn cần nguồn vốn cho đầu tư và tái cấu trúc.
Như vậy, với những giải pháp quyết liệt, đúng hướng và kịp thời, kỳ vọng các DN sẽ được trợ lực tốt để phát triển. Tuy nhiên, để chính sách sớm đi vào cuộc sống, có hiệu quả, các cơ quan liên quan cần phải triển khai nhanh, đúng, đủ, kịp thời giúp DN được hưởng thụ sớm, hưởng thụ thật, sớm phục hồi sản xuất, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.
NGÔ GIA