Xây dựng nền công nghiệp tự chủ
Trong chuyến tham quan dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu cuối tuần qua, chứng kiến quy mô “khủng” của dự án, ai cũng trầm trồ kinh ngạc. Theo thông tin mà ông Tharna Sanee, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn - chủ đầu tư dự án - cung cấp, đến nay dự án đã đạt 98% tiến độ và dự kiến sẽ đưa sản phẩm ra phục vụ thị trường vào giữa năm 2023.
Đặc biệt, dự án sẽ giúp thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa, tạo ra sức lan tỏa lớn để các ngành công nghiệp, từ hóa dầu đến ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì cũng như các ngành dịch vụ khác phát triển tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, giúp Việt Nam có mặt trên bản đồ các nước xuất khẩu sản phẩm hóa dầu; tạo nền tảng quan trọng cho những dự án đầu tư trong tương lai về công nghiệp hạ nguồn và các ngành công nghiệp liên quan.
Như vậy, có thể khẳng định dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam là một trong những minh chứng rõ nét nhất về thành quả từ chủ trương của tỉnh là phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ để từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hay nói một cách khác, đó là hình thành nền công nghiệp tự chủ. Trong quá trình phát triển, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã giảm dần sự phụ thuộc vào công nghiệp khai thác dầu khí, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính đến năm 2020, tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 88% trong sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí). Riêng đối với công nghiệp hỗ trợ, đến nay đã có 77 dự án, giá trị đạt khoảng 60.000 tỷ đồng.
Cho đến nay, công nghiệp đang đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước, là một ngành đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, dù là một ngành mũi nhọn, nhưng nhìn nhận một cách khách quan thì sản xuất công nghiệp đang bộc lộ nhiều hạn chế, đó là vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, dẫn tới sản phẩm công nghiệp thiếu sự cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao.
Bà Rịa - Vũng Tàu đang xây dựng và góp ý cho dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo dự thảo này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước năm 2030, phát triển một số sản phẩm công nghiệp chế biến có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…
Muốn đạt mục tiêu này, tỉnh phải nhanh chóng tháo gỡ rào cản nêu trên, trong đó ngành công nghiệp phải tiếp cận được những công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến nhất của thế giới. Đặc biệt là xây dựng được một ngành công nghiệp tự chủ với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn làm nền tảng, đủ mạnh để dẫn dắt, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
NGÔ GIA