Ẩn họa từ chó thả rông
Nhà chị chủ quán nước nơi đầu xóm tôi có nuôi một con chó. Hôm gần Tết Quý Mão, con chó bỗng dưng nổi nóng, thấy ai đi qua trước nhà cũng lao ra nhe răng, trợn mắt sủa inh ỏi và luôn trong tư thế sẵn sàng cắn người. Một người phụ nữ đi xe đạp ngang qua, nếu không phản ứng kịp bằng cách dùng chiếc xe chống trả thì chắc đã trở thành nạn nhân của nó rồi. Tôi cũng bị dọa cho một phen hoảng hồn đúng lúc đi ngang qua.
Thấy quá nguy hiểm, tôi nhắc chị xích nó lại hoặc muốn thả ra thì phải rọ mõm, nhưng chị tỏ thái độ không hài lòng. Từ đó, tôi không dám bén mảng đến quán nước của chị và luôn cảnh giác mỗi khi đi qua đây.
Từ đầu tháng 2 đến nay, tại các địa phương trong cả nước liên tục xảy ra các vụ chó cắn người. Trong đó, ngày 18/2 một nam sinh Trường cao đẳng Lào Cai (tỉnh Lào Cai) bị 2 con chó cắn và ngày 19/2 một du khách người Anh bị chó cắn tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hai vụ việc này đã thu hút sự quan tâm của dư luận bởi các nạn nhân bị thương tích nặng, phải nhập viện, còn những vụ nhẹ hơn thì xảy ra khá thường xuyên trên khắp cả nước. Trước đó, đầu tháng 2, tại một chung cư ở TP.Hồ Chí Minh đã xảy ra vụ việc chủ chó hành hung một người đàn ông ở cùng chung cư, khi người này cố gắng bảo vệ con trai trước việc con anh bị con chó thả rông trong chung cư tiếp cận.
Chó là vật nuôi gần gũi với con người. Với đặc tính thân thiện, thông minh và trung thành nên được nhiều gia đình chọn nuôi. Ngoài nhiệm vụ giữ nhà, phụ giúp chủ coi sóc đàn gia súc, được huấn luyện làm chó nghiệp vụ để truy bắt tội phạm hay cứu hộ… chó còn được người nuôi coi như thú cưng, là bạn thân thiết. Nhiều câu chuyện cảm động về lòng trung thành của chó nuôi với chủ, về chó nghiệp vụ cứu người cũng đã xuất hiện.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người có sở thích nuôi những giống chó dữ, to lớn được nhập khẩu từ nước ngoài. Trên thực tế, một số giống chó dù đã được thuần chủng nhưng còn bản tính hoang dã, bản năng săn mồi và không được huấn luyện đầy đủ nên đã gây họa cho cả chủ nuôi và người xung quanh. Một số vụ việc đau lòng đã từng xảy ra khi chó nuôi cắn chết người, trong đó có cả chủ nuôi. Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về những ẩn họa từ loài vật nuôi này, nếu chúng không được chủ nuôi tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn.
Theo quy định, người nuôi chó trong khu dân cư phải bảo đảm vệ sinh môi trường, phải tiêm vắc xin cho chó, khi đưa chó ra nơi công cộng phải có rọ mõm… Thế nhưng, nhiều người khi đưa chó ra đường vẫn không thực hiện quy định trên, đe dọa đến sự an toàn của những người xung quanh, đó là chưa kể hành vi để chó phóng uế nơi công cộng còn diễn ra khá phổ biến.
Chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy định về nuôi chó còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đơn cử, trong vụ việc nam sinh viên tại Lào Cai bị chó cắn nêu trên, chủ nuôi chỉ bị xử phạt 1,5 triệu đồng vì không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Trong khi đó, hầu hết các vụ chó cắn người, chủ nuôi thường thương lượng với nạn nhân về việc bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, pháp luật quy định, trong trường hợp người bị chó cắn mà bị thương tích từ 61% trở lên hoặc tử vong thì cơ quan điều tra mới có thể khởi tố chủ vật nuôi theo điều 295 Bộ Luật Hình sự. Vì vậy, hầu như có rất ít trường hợp chủ nuôi chó bị khởi tố hình sự do liên quan đến việc quản lý thú cưng của mình.
Do vậy, cần sửa luật theo hướng tăng nặng các hình phạt về hành chính và hình sự để đủ sức răn đe, buộc chủ nuôi chó chấp hành nghiêm các quy định pháp luật khi mang chó ra đường. Thậm chí, nhà nước cần ban hành quy định cấm nuôi các giống chó nguy hiểm. Có như vậy, người dân mới bớt bất an khi ra đường.
NGUYỄN ĐỨC