.

Nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ

Cập nhật: 19:42, 16/02/2023 (GMT+7)

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của cả nước nói chung và của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng sau một thời gian khá dài chuyển động với nhiều giải pháp, nhưng đến nay, tình hình cung ứng nguyên phụ liệu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nhiều loại vật liệu sản xuất, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh… đều phải nhập khẩu với số lượng lớn, chiếm tỷ trọng cao trong dây chuyền sản xuất. Đơn cử, nhiều khu công nghiệp, nhà máy của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải nhập khẩu từ 60-90% nguyên liệu, nhất là ngành gỗ và giày da: chiếm tới hơn 80%; linh kiện, thiết bị cơ khí, điện tử: 70%; may mặc: 60%.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều KCN, nhiều dây chuyền sản xuất hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng nội địa tại các địa phương trong cả nước. Nếu đối chiếu với mục tiêu mà Nghị quyết số 115/NQ-CP (ngày 8/6/2020) của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, thì những con số dẫn chứng trên thực sự đáng báo động.

Cụ thể, đến năm 2025, các DN Việt Nam có khả năng sản xuất những sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất tiêu dùng nội địa, chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng đầy đủ 70% nhu cầu cho sản xuất, lắp ráp.

Thực tế hiện nay cho thấy, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của nước ta như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… hầu như chưa có CNHT đi kèm, nên phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất còn manh mún, bị động, chi phí cao. Nguyên phụ liệu trong nước chỉ tập trung ở các DN FDI, còn DN trong nước chưa đáp ứng được chất lượng cho các đơn hàng xuất khẩu.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành CNHT của Việt Nam còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp, đặc biệt là cung cấp linh kiện cho các DN, các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp chuyên về CNHT còn ít, trình độ chỉ ở mức trung bình, thậm chí còn thấp và lạc hậu so với khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là một trở lực rất lớn cho sự cho sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng.

Việc phụ thuộc quá lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra trong nước của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp hơn các quốc gia trong khu vực (Việt Nam chỉ đóng góp 16% GDP so với mức 26% của Thái Lan, 36% của Trung Quốc). Vì vậy, phát triển ngành CNHT có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, nâng cao giá trị gia tăng trong nước và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp.

Nhằm nâng cao năng lực cung ứng nguyên phụ liệu của DN CNHT, các địa phương và DN cần triển khai hiệu quả những giải pháp về kết nối kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa và phát triển nguồn nhân lực CNHT. Trên cơ sở thay đổi nhận thức và giải pháp thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 115 để thúc đẩy phát triển và mở rộng phạm vi CNHT: Xây dựng các khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các DN địa phương với các DN đa quốc gia, DN sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.

HOÀNG LÊ

.
.
.