.

Phát huy giá trị trường tồn Đề cương Văn hóa Việt Nam

Cập nhật: 19:09, 28/02/2023 (GMT+7)

Những ngày này trên khắp cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam. Có thể nói, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và có ý nghĩa quan trọng, một lần nữa khẳng định giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943- “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các văn kiện của Đảng về văn hóa, văn nghệ, góp phần định hướng công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước đã chứng minh rằng, văn hóa dân tộc với lòng yêu nước, đoàn kết, tự lực và tự cường đã giúp Việt Nam vượt bao thiên tai và địch họa. Đồng thời, hun đúc, hình thành nên một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, thể hiện nổi bật phẩm chất, lương tri, trí tuệ, bản lĩnh và khí phách của con người Việt Nam.

80 năm qua, dù có những nội dung và khái niệm đã thay đổi, nhưng giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Những đường hướng về văn hóa dù được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, nhưng vẫn giữ được tính nhất quán về đường hướng phát triển, nguyên tắc chỉ đạo. Thời chiến tranh, văn hóa thành vũ khí đấu tranh giành độc lập thì nay văn hóa trở thành nguồn lực, tài sản, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Người cũng chỉ rõ, nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng.

Với tinh thần đó, bằng những định hướng, chỉ đạo đúng đắn trong đường lối phát triển văn hóa của Đảng, văn hóa Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, phát triển đất nước hiện nay. Chắc chắn văn hóa cũng sẽ tiếp sức làm nên sức mạnh trên chặng đường sắp tới, phát triển và hội nhập với khát vọng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Chính vì vậy, phát huy giá trị trường tồn cũng như sức mạnh của văn hóa không chỉ là trách nhiệm của quá khứ, mà còn là trách nhiệm với tương lai, bởi “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Việc đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các giải pháp đồng bộ có khả năng khơi thông các nguồn lực cho văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Đặc biệt là vận dụng sáng tạo và hiệu quả hơn các giá trị cốt lõi của Ðề cương Văn hóa Việt Nam, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII về phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đặc biệt, ở đó còn là xây dựng con người Việt Nam luôn hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.

LAM GIANG

 

 

.
.
.