Từ câu chuyện 30 ngàn tỉ đồng
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng với 4 “ông lớn” là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank thống nhất triển khai trong thời gian tới.
Đây là gói tín dụng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Còn gói 110.000 tỷ đồng, mức lãi suất cho vay chỉ từ 5 - 6%/năm do Bộ Xây dựng đề xuất đang chờ phê duyệt.
Thông tin này được NHNN đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, nhiều đơn vị kinh doanh phá sản, người lao động bị sa thải… đã khiến cho nhiều người dân, DN mong đợi. Bởi, nếu 2 gói tín dụng sớm triển khai, DN, chủ đầu tư và người dân có nhu cầu thực sẽ có cơ hội tiếp cận và mua nhà giá rẻ.
Trong 2 gói tín dụng lớn dành cho nhà ở xã hội, người thu nhập thấp nói trên, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng được Bộ Xây dựng cho biết gần giống gói 30.000 tỷ đồng đã được tung ra vào năm 2013.
Theo chính sách, gói 30.000 tỷ đồng thời điểm đó, 70% được dành cho những người thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2. Thời hạn vay tối đa là 10 năm. 30% còn lại dành cho DN là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, DN nhà thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Còn gói 110.000 tỷ đồng lần này, đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng. 50% còn lại dành cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Nhắc đến gói 30.000 tỷ đồng, đến nay sau gần một thập kỷ triển khai, nhiều người lao động được vay để mua nhà vẫn còn cảm xúc như ngày hôm qua. Niềm vui không dấu được sau bao nhiêu năm lao động vất vả, họ đã mua được nhà và thoát cảnh sống nhà trọ.
Chị Vân, người được vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mua căn hộ ở chưng cư Bình An (TP.Vũng Tàu) kể, hồi đó làm mãi chị mới tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng, và không dám nghĩ đến chuyện mua nhà. Thế rồi, nhờ có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, gia đình chị đã tiếp cận và vay hơn 400 triệu đồng. Từ nguồn tiết kiệm, vay bạn bè và gói hỗ trợ, chị đã làm chủ được căn hộ 70m2. “Nếu không có gói hỗ trợ, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có căn nhà như vầy để ở. Gia đình tôi cũng đã trả được nợ được hơn một nửa số tiền vay mua nhà”, chị Vân chia sẻ.
Không riêng gia đình chị Vân, mà trên thực tế nhờ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, nhiều cán bộ, công chức, công nhân mua được nhà để ở.
Rõ ràng, nhu cầu mua nhà “giá rẻ” đang là nhu cầu rất lớn trong nhân dân. Do đó, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là cần thiết, giúp đồng thời tăng cung và giảm mất cân đối trên thị trường.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ người dân, nếu gói hỗ trợ này được thông qua cần có giải pháp cụ thể, chặt chẽ để đến đúng tay đối tượng thụ hưởng. Về phía các DN cũng kiến nghị, các địa phương cần sớm bố trí quỹ đất để có thể sớm triển khai các dự án nhà ở xã hội.
HÀ AN