Chương trình Hộ chiếu logistics Thế giới (WLP) vừa phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam và Đại sứ quán UAE tổ chức ký kết và diễn đàn khởi động chương trình Hộ chiếu logistics Thế giới tại Việt Nam.
Đây là một sáng kiến toàn cầu do Dubai dẫn dắt, được thiết kế nhằm tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại
thế giới. Chương trình này đã bổ sung Việt Nam vào danh sách các trung tâm logistics và thương mại của khu vực (gọi tắt là Hub). Với vị trí chiến lược là một trung tâm trung chuyển và sản xuất của khu vực và tiềm năng tăng trưởng thương mại, Việt Nam đã được lựa chọn là một thành viên quan trọng thuộc mạng lưới WLP, giúp tăng hiệu quả thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đến nay, 22 DN cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam đã đăng ký tham gia là thành viên của chương trình WLP. Tại sự kiện nêu trên, cũng đã có nhiều DN Việt Nam tham gia ký kết như: Công ty CP Hàng không Vietjet, cảng Container Trung Tâm Sài Gòn (SPCT), cảng Sài Gòn, cảng Lotus, Sotrans Logistics, cảng Gemadept.
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, WLP hiện đã được mở rộng ra hơn 48 quốc gia ở khắp các châu lục với hơn 29 Hub, hơn 15 tuyến thương mại phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu. Mạng trung tâm WLP chiếm 47% thương mại thế giới và hơn 120 đối tác trên toàn thế giới. Hộ chiếu Logistics thế giới có thể giúp DN tiết giảm tới 40% chi phí logistics và 80% thời gian vận chuyển.
Các sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam khi được UAE cấp WLP đều sẽ được tạo thuận lợi và hỗ trợ về thông quan, miễn thuế hàng không, giảm thời gian kiểm tra và đưa lên phương tiện vận tải nhanh chóng, miễn phí, giảm thời gian lưu kho lên tới 48 giờ. Qua đó góp phần nâng cao năng lực logistics Việt Nam và gia tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng Việt Nam, nhất là các thị trường châu Phi, châu Mỹ La tinh.
Tạo thuận lợi cho thương mại, tăng tính cạnh tranh quốc gia luôn là những nhiệm vụ quan trọng không những của ngành công thương mà còn cả hệ sinh thái logistics quốc gia. Điểm mấu chốt của WLP là sự vận hành theo mô hình Hub của từng quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Như vậy, đây là một cơ hội tốt để ngành logistics Việt Nam nói chung, và kỳ vọng trong tương lai là cú hích cho logistics - một thế mạnh của Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển.
Tuy nhiên, trong dòng chảy thương mại của WLP, hoạt động thông quan đóng vai trò rất quan trọng, cơ chế hàng chuyển cảng càng thuận lợi, càng tốt. Thống kê trung bình, thời gian thông quan hàng tại cảng Việt Nam đang ở mức 52 tiếng, cơ quan hải quan đặt mục tiêu giảm xuống còn 50 tiếng trong năm 2023. Dù chi phí hải quan không cao nhưng thủ tục còn phiền hà. Đây là rào cản cần sớm được tháo gỡ để tận dụng tối đa cơ hội mà chương trình mang lại. Điều này còn phụ thuộc vào các đơn vị cốt lõi như cơ quan hải quan, các nhà khai thác cảng biển và cảng hàng không, hiệp hội logistics, các hãng hàng không, DN tại các KCN, cảng cạn…
HOÀNG ANH