.

Tính chuyện dài lâu

Cập nhật: 18:32, 08/02/2023 (GMT+7)

Sầu riêng, thanh long tăng giá gấp hai, ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, giúp người trồng có lãi cao trở lại sau thời gian dài rớt giá.

Đây là thông tin khá tích cực, giúp nông dân bắt đầu có lãi trở lại, tích lũy và tái đầu tư cho cây ăn trái nhằm tăng chất lượng cũng như phát triển bền vững.

Các thương lái cho biết, giá một số loại trái cây tăng cao gần đây là do tình hình tiêu thụ nông sản đang có nhiều thông tin thuận lợi khi số lượng lô hàng chính ngạch được xuất khẩu ngày càng nhiều. Song song đó, các lô hàng xuất tiểu ngạch bằng đường bộ cũng thông suốt hơn khi Trung Quốc không còn siết chính sách “zero COVID-19” như trước đây. Đó là từ ngày 8/1, Trung Quốc gỡ bỏ tất cả biện pháp xét nghiệm phòng chống COVID-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu, mở cửa biên giới và gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly.

Tuy nhiên, nông dân cũng chưa vội mừng bởi trên thực tế, việc một số loại trái cây tăng giá chưa có tính bền vững. Đơn cử như sầu riêng, tăng gần 200 ngàn đồng/kg cũng được dự báo chỉ duy trì trong một giai đoạn ngắn khi nguồn cung hạn chế. Bởi thời điểm này chưa bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Hay như trái thanh long cũng đang vào thời điểm nghịch vụ, giá tăng cao khi nhu cầu trước, trong và sau Tết của người dân tăng. Tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn tái diễn khi rộ mùa thu hoạch vào tầm khoảng tháng 5-6 tới đây.

Do đó, việc xây dựng thương hiệu, tăng chế biến sâu, tuân thủ chặt chẽ quy định về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm… hướng đến thị trường xuất khẩu chính ngạch vẫn là việc cần làm lúc này. Các chuyên gia kinh tế cũng đã chỉ ra rằng khâu sản xuất thô chỉ chiếm 12 - 13% giá trị của nông sản. Như vậy, hơn 80% còn lại nằm ở những khâu sau thu hoạch. Nếu khai thác tốt khâu này, nông dân có thể hình thành nền kinh tế nông nghiệp đủ sức tạo ra sự phát triển bền vững ngay cả trong điều kiện bất lợi hay biến động. Đó là hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, không chỉ trong nước mà ở cả những thị trường xuất khẩu khó tính.

Với diện tích cây ăn trái khá lớn, trong đó có nhiều loại trái cây chủ lực như bưởi da xanh, nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, sầu riêng…, Bà Rịa - Vũng Tàu đang nỗ lực xây dựng và cấp mã số vùng trồng, hướng đến thị trường xuất khẩu bền vững. Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 mã vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đã được cấp mã số. Trong đó, các loại trái cây như bưởi, nhãn, chuối… với diện tích trồng lên đến hàng trăm ha được xuất qua các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, EU… Năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ thực hiện cấp mã số vùng trồng cho 4 vùng trồng bưởi trên địa bàn TX. Phú Mỹ; lập hồ sơ đăng ký cấp 4 mã số vùng trồng thanh long trên địa bàn huyện Xuyên Mộc với tổng diện tích 57ha; hoàn thiện hồ sơ 6 mã số vùng trồng đối với sầu riêng tại huyện Châu Đức với tổng diện tích 80ha...

Rõ ràng, để “những tấm hộ chiếu xuất ngoại” của trái cây Bà Rịa - Vũng Tàu trở nên bền vững hơn, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan chức năng thì điều cần thiết nhất vẫn phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, tuân thủ nghiêm túc các quy định của nước nhập khẩu, không chỉ khi được kiểm tra mà là xuyên suốt cả quá trình sản xuất.

NGÔ GIA

 
.
.
.