Ăn sáng cùng ngư dân
Mặc dù đang là ngày nghỉ cuối tuần nhưng sáng Chủ nhật 29/1, lãnh đạo huyện Long Điền không nghỉ ngơi mà tổ chức gặp mặt, ăn sáng cùng 300 ngư dân tại Đồn Biên phòng Phước Tỉnh. Không đơn thuần là bữa “ăn sáng” thông thường, mà mục đích chính nhằm vận động bà con ngư dân không đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Cách làm này được huyện Long Điền triển khai từ năm 2022 trở lại đây đã tạo ra hiệu ứng tích cực. Sự gần gũi, chân tình giúp cho ngư dân dễ dàng chia sẻ về tình hình khai thác hải sản cũng như bày tỏ tâm tư nguyện vọng để chính quyền nắm bắt và có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, thông qua bữa ăn sáng, chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng có thể tuyên truyền, vận động ngư dân hiểu rõ hơn và chấp hành pháp luật về khai thác, đánh bắt hải sản một cách hiệu quả, đồng thời nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Huyện Long Điền có 28km đường biển với 3 cảng cá và 1 bãi neo đậu, quản lý 2.281 tàu cá, trong đó có 1.219 tàu cá đang hoạt động vùng khơi, 263 tàu đang hoạt động vùng lộng và 799 phương tiện là thuyền thúng, ghe nhỏ hoạt động ven bờ. Ngư nghiệp cũng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Thời gian qua, dù tình trạng ngư dân khai thác bất hợp pháp đã giảm nhưng vẫn chưa triệt để. Do đó, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, mạnh tay xử lý tình trạng vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Huyện cũng kiên quyết không giải quyết xuất bến với tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản, chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chưa thực hiện đánh dấu tàu cá, không có đầy đủ giấy tờ. Và rõ ràng, cách làm như tổ chức “ăn sáng cùng ngư dân” cũng góp phần giúp ngư dân không vi phạm IUU trong quá trình vươn khơi đánh bắt.
Một trong những khuyến nghị từ phía Ủy ban châu Âu (EC) đối với Việt Nam để chống khai thác IUU ngay từ đầu đó là việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu. Bởi dù chỉ còn 1 tàu vi phạm thì EC cũng không gỡ thẻ vàng, thậm chí còn là nguy cơ EC áp dụng thẻ đỏ. Do đó, thời gian qua UBND tỉnh, các địa phương ven biển và lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt với nỗ lực cao nhất để giải quyết tốt nhất các nội dung kiến nghị của EC đối với việc đẩy lùi và chấm dứt khai thác IUU, hướng tới phát triển ngành khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm, có kiểm soát.
Tuy nhiên, dù cơ quan chức năng có nỗ lực đến đâu, quyết liệt đến đâu mà ngư dân không thay đổi tư duy đánh bắt thì rõ ràng, thiệt hại trước nhất vẫn là chính ngư dân phải gánh chịu. Theo thống kê, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU chiếm khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, quy mô thị trường lên tới hàng tỷ USD. Nếu bị EC áp “thẻ đỏ”, chắc chắn ngư dân sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất.
Do đó, ngư dân chính là yếu tố quyết định về sinh kế bền vững của mình trên biển, đó là đánh bắt có trách nhiệm và hợp pháp.
NGÔ GIA