Cẩn trọng khi đổi tiền mới qua mạng
Mỗi dịp Tết, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới để lì xì của người dân lại tăng. Đây cũng là thời điểm hoạt động của bọn tội phạm liên quan đến đổi tiền mới gia tăng. Những ngày này, các trang mạng giới thiệu dịch vụ đổi tiền mới luôn nhộn nhịp với nhiều mức phí khác nhau. Chỉ cần gõ cụm từ "đổi tiền mới" hay "tiền xì lì", trong vòng chưa đầy 1 giây đã có hàng trăm kết quả hiện ra.
Theo quảng cáo của các dịch vụ đổi tiền, khách hàng muốn bất cứ loại tiền mới nào cũng có, đủ mệnh giá; thậm chí có nơi còn rao bán những tờ tiền có số seri đẹp, sẵn sàng giao hàng tận nơi.
Trái ngược với thị trường tự do, việc đổi tiền tại các ngân hàng ngày càng bị siết chặt. Chị Hoa, nhà ở đường Lê Lợi, TP.Vũng Tàu chia sẻ, cách đây hai hôm chị có ra ngân hàng thương mại gửi tiền về quê. Sau khi giao dịch xong, chị có hỏi về việc đổi tiền lì xì với mệnh giá nhỏ. Do không được đáp ứng nên chị đã đăng tin lên một hội nhóm đổi tiền mới trên mạng. Lát sau, chị Hoa nhận được hàng loạt tin nhắn chào mời rất nhiệt tình. Mỗi nơi báo một mức phí khác nhau, dao động từ 3 - 15% (tuỳ loại). “Nếu đổi càng nhiều, phí đổi sẽ được giảm”, chị Hoa kể .
Trên thực tế, những năm qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương không phát hành tiền lẻ mới, mệnh giá dưới 10.000 đồng vào dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, nghiêm cấm cán bộ, các tổ chức ngân hàng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Cũng theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân.
Như vậy, ngoài các đơn vị trên, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền lấy phí đang diễn ra trên mạng vì không những vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gặp phải tiền giả, hoặc bị lừa mất tiền đặt cọc... Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp nhận phản ánh và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để quản lý tốt, hạn chế sai phạm phát sinh, bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng gấp hai lần.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg về tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các tỉnh, thành phố tập trung xử lý nghiêm việc đổi tiền không đúng quy định dịp Tết Nguyên đán, đồng thời, tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá.
MINH AN