.

Linh hoạt để có thêm nhiều hộ nghèo được an cư

Cập nhật: 19:02, 05/02/2023 (GMT+7)

Trong nhiều năm qua, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, việc vận động xây tặng nhà đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đã trở nên dễ dàng hơn khi thu hút được đông đảo tổ chức, cá nhân ủng hộ thông qua MTTQVN các cấp, các hội, đoàn thể.

Chỉ tính riêng nguồn vận động từ MTTQVN các cấp, trong giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh đã huy động hơn 46 tỷ đồng để thực hiện các chương trình hỗ trợ người nghèo, trong đó MTTQ các cấp đã xây mới hơn 1.340 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Riêng năm 2022, từ nguồn huy động Quỹ “Vì người nghèo”, MTTQ đã xây mới 113 căn trị giá hơn 7,9 tỷ đồng và sửa chữa 107 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền gần 2,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất trong công tác xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là nhiều hộ thuộc diện này không có đất đủ điều kiện để xây nhà. Theo số liệu rà soát của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, toàn tỉnh còn 517 hộ nghèo khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ trong giai đoạn 2023-2025. Trong số này, chỉ có 121 hộ đủ điều kiện để được hỗ trợ xây tặng nhà đại đoàn kết. 396 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khó khăn về nhà ở nhưng không đủ điều kiện hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết. Nguyên nhân là do các hộ có đất nằm trong vùng quy hoạch, đất nông nghiệp hoặc không có đất, đất đang ở trên vùng lấn chiếm…

Thiết nghĩ, để giải quyết một cách căn cơ, giúp người nghèo "an cư", các cấp chính quyền cần có chính sách hỗ trợ, bên cạnh sự vận động nguồn lực từ cộng đồng của MTTQ các cấp. Trong đó có việc hỗ trợ hộ nghèo chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu đất thuộc diện quy hoạch khu dân cư), hoặc bố trí tái định cư sớm cho hộ nghèo; hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, việc vận động xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo cần có sự linh hoạt, có thể vận động hiến tặng đất, hỗ trợ tiền mua đất thổ cư cho hộ nghèo... Và cũng rất cần sự điều chỉnh mức hỗ trợ hợp lý hơn thay vì chỉ ở mức 80 triệu đồng/căn như hiện nay, nhằm bù đắp trượt giá về vật liệu xây dựng, nhân công và các phát sinh khác để hộ nghèo có căn nhà ở tươm tất, khang trang hơn. 

Sư cô Thích Nữ Tiến Liên (Tịnh xá Ngọc Đức, TP. Vũng Tàu) từng chia sẻ câu chuyện "gỡ khó" cho một hộ nghèo tại huyện Xuyên Mộc khi phát tâm xây tặng nhà đại đoàn kết. Cụ thể, khu đất gia đình này đang ở không đủ điều kiện để được xây nhà. Sư cô Thích Nữ Tiến Liên đã xoay xở, vận động thêm tiền để hỗ trợ cả tiền mua đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sư cô nói: "Mình đã hứa giúp gia đình có căn nhà khang trang, vững chãi, nên phải tìm cách để thực hiện lời hứa đó, dù không dễ dàng gì...".

Ở một địa phương khác của tỉnh, cũng từng có trường hợp hộ nghèo được chính quyền địa phương vận động nhà hảo tâm hiến đất để xây tặng nhà đại đoàn kết. Trường hợp này, nếu không được hiến đất, dù thuộc diện hỗ trợ xây tặng nhà đại đoàn kết cũng khó có thể thực hiện được.

Hai ví dụ trên là minh chứng cho sự linh hoạt trong quá trình triển khai chủ trương hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Sự linh hoạt đó sẽ giúp có thêm nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định - là động lực để hộ nghèo phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

TIỂU CƯỜNG

.
.
.