Thượng tôn pháp luật trong xây dựng văn hóa giao thông
Cách đây chừng non nửa năm, một người bạn của tôi, sáng sớm tấp vội lề đường để mua cho cậu con trai cây bút chì, kịp giờ đến lớp mà không hề để ý đến quy định đậu xe ngày chẵn/lẻ do đây là tuyến đường chính, lòng đường nhỏ hẹp ở trung tâm thành phố. Chỉ chừng trên dưới 5 phút sau, khi quay trở lại xe, anh vô cùng bất ngờ khi nhận được một giấy thông báo phạt nguội gài ở cần gạt nước trên kính chắn gió.
Một người bạn khác, cũng đã nhận được thông báo phạt nguội khi tra cứu trên ứng dụng của Cục Cảnh sát giao thông với lỗi chạy quá tốc độ và vượt đèn đỏ ở tuyến đường có gắn camera giao thông ở Quốc lộ 51.
Chắc chắn rằng, cả 2 trường hợp trên buộc phải nộp phạt các lỗi vi phạm trong quá trình tham gia giao thông, chậm nhất là tại thời điểm đăng kiểm xe lần kế tiếp. Dù các lỗi vi phạm chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng là bài học có tác dụng đáng kể đối với cả 2 bác tài; đã cẩn trọng hơn khi tham gia giao thông, luôn quan sát biển báo giao thông, đi đúng tốc độ và làn đường dù không được nhắc nhở. Đó là sự chuyển biến tích cực ở các “bác tài” từng có thói quen phóng nhanh, tranh thủ vài giây để “cướp tín hiệu đèn” và tấp lề “vô tội vạ”.
Có thể thấy, thời gian qua, hệ thống camera giám sát giao thông được bao phủ rộng ở nhiều tuyến đường từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh đã dần chấn chỉnh tình trạng vi phạm, tạo thói quen tự giác đi đúng luật, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân; từ đó dần hình thành văn hóa giao thông an toàn trong cộng đồng.
Việc phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát giao thông còn giảm bớt áp lực cho cảnh sát giao thông, nhằm diành thời gian để tuần tra, tăng cường cho những “điểm đen”; phân luồng, giải tỏa ùn tắc trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm. Đặc biệt là tăng cường lực lượng cho việc tổ chức tuần tra, lập chốt kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông.
Hiệu ứng có được từ phạt nguội cũng là một trong những nội dung trọng điểm của “Năm an toàn giao thông 2023” vừa được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức lễ ra quân và phát động vào sáng 9/2 tại Hà Nội. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia còn khẳng định, ngoài nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn, toàn quốc nỗ lực giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Để hiện thực hóa nội dung này, nhằm tránh những tổn thất không đáng có về con người, tài sản, phương tiện do tai nạn giao thông thì “thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” cần phải được thực hiện triệt để, thực chất ở cộng đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cần nêu gương thực hiện “thượng tôn pháp luật”, tạo động lực để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, tuân thủ hiệu lệnh và hướng dẫn của lực lượng chức năng, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho cả xã hội.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tiếp nối đợt cao điểm an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, rất cần tiếp tục duy trì, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; đặc biệt vận động người tham gia giao thông thực hiện nghiêm túc “Đã uống rượu bia, không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện.
“Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” là chủ đề có ý nghĩa cho “Năm an toàn giao thông 2023”, bởi an toàn giao thông chỉ được hiện thực hóa khi tất cả những người tham gia giao thông tuân thủ giao thông an toàn, chủ động thượng tôn pháp luật.
HẠ VY